Wednesday, October 17, 2012

Kỷ niệm về Hà Quan Long

Tấm gương của sự phấn đấu

Tôi biết Hà Quan Long khi Sở GD tập trung bồi dưỡng cho một số học sinh để tuyển chọn đội tuyển HN đi thi miền Bắc ở Nhà thờ Hai Bà Trưng (nay là bệnh viện Việt nam-Cu ba). Trong trí nhớ của tôi thì đấy là một thằng lẻo khẻo với đôi kính cận rất trí thức. Và đặc biệt ấn tượng là tay này biết rất nhiều. Trong khi học hắn thường có những suy nghĩ khác hẳn bọn tôi. Tôi rất thán phục hắn ở những lời giải bất quy tắc mỗi khi các thầy chữa bài. Và đúng như dự đoán của tôi, sau mấy lần tuyển chọn thì hắn được đứng trong đội tuyển và hình như hắn được giải 3 miền Bắc năm đó. Thế là hắn trở thành thần tượng của tôi trong suốt quãng đời đi học.
Vào cấp 3, chắc cũng do chuyện lý lịch (sau này tôi mới biết chứ lúc đó tôi chẳng để ý chuyện đó) mà hắn lại học cùng tôi ở Chu Văn An. Hắn và Phan Sỹ Khôi lập tức trở thành những "quái kiệt" của lớp. Tôi phục sát đất khi thấy hắn đọc một cách say xưa cuốn "Đại số tuyến tính" của Ngô Thúc Lanh. Đối với tôi lúc đó thì những khái niệm như không gian, vector… là chuyện trên các vì sao. Hắn còn tranh luận rất sôi nổi với Khôi về cuốn "Tư bản" của Mark nữa chứ. Tôi vừa phục lại vừa cho hắn là thằng lập dị. Mà hắn cũng có đôi chút lập dị thật. Cái xe đạp hắn đi thì không có chắn bùn. Mỗi khi muốn phanh là hắn đạp chân vào lốp trước. Cao lều nghều, quần áo lôi thôi cộc cũn cỡn, mắt cận ngồi sân bóng mà vẫn kè kè tập giấy nháp để giải bài tập. Đôi khi hắn cũng tham gia vào những trận đá bóng giữa các tổ với đôi chân vụng về, loèo ngoèo luôn là tâm điểm cho những chuyện chọc ghẹo của tôi. Thế nhưng hắn chẳng bao giờ giận ngay cả khi tôi chơi ác với hắn nữa. Khi đã thân, tôi hay đến nhà hắn chơi và biết được nhà hắn rất nghèo. Ngoài giờ đi học hắn còn phải tham gia làm đủ các thứ việc kiếm sống cùng gia đình. Thế mà hắn vẫn học như điên, vẫn thường xuyên ky cóp từng hào để mua sách. Tôi thường cùng hắn và Vương Mạnh Sơn hàng tuần ghé qua cửa hàng sách cũ trên phố Tràng tiền. Bác Thuật, nhân viên của cửa hàng, rất quý hắn và Vương Mạnh Sơn vì bọn chúng rất hiểu biết. Bao giờ bác cũng cất giấu những quyển sách hay dưới ngăn bàn cho chúng chọn trước khi bày lên tủ. Tôi theo chúng nó vì ham chơi chứ không thể hiểu sách nào là hay, là cần. Có mua thì tôi cũng chỉ mua tạp chí Toán học trong nhà trường của Liên xô để sưu tầm bài tập. Còn chúng nó mua nào là Buorbaky, Dedonnee… mà chỉ nghe thấy tôi đã ù cả tai. Bọn hắn đọc, trao đổi với nhau còn tôi thì như Mít đặc chỉ hóng chuyện thôi. Đến hết cấp 3 thì chúng thực sự xứng đáng là thầy tôi về kiến thức toán học uyên thâm. Ngoài những điều trong sách giáo khoa, tôi chẳng biết gì thêm cả.

Hắn không chỉ giỏi toán mà hắn còn có một phông tri thức khá phong phú. Tôi chẳng biết hắn học vẽ từ bao giờ mà khi sơ tán ở Kim bài, hắn dựng giá vẽ bên bờ sông khi cả bọn kéo nhau đi bơi. Được vài ngày hắn đưa tôi xem bức tranh của hắn. Tôi sững sờ vì đấy quả thực là một tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc. Hắn vẽ bến đò bên kia sông với hàng tre, cây gạo hoa đỏ như lửa sinh động đến độ khó tin. Tôi bái hắn làm sư phụ.

Không được đi học nước ngoài tôi và hắn lại học cùng lớp trong Đại học Bách khoa. Tôi chán đời chẳng học hành gì cả còn hắn và Vương Mạnh Sơn tiếp tục "cuộc chạy đua âm thầm" của bọn chúng với số phận (và có thể với nhau nữa). Mỗi đứa một kiểu nhưng hình ảnh của hắn là những cuốn sách to như những cuốn từ điển (Lý thuyết Ma trận…bằng tiếng Nga) mà tôi không thể hiểu làm sao con người ta có thể nhét được chừng ấy trang sách vào đầu. Hỏi gì hắn cũng biết và toàn là những chuyện cao siêu. Có lần hắn còn quyết chí chứng minh một định lý trong cuốn Giải tích toán học của Fix-chen-gon là sai với thầy Dương Thủy Vĩ – một cây đại thụ về giải tích của Việt nam. Tôi ngồi như vịt nghe sấm vừa phục thằng bạn vừa lo cho hắn. Chẳng là Thầy Dương Thủy Vĩ là một thầy giáo rất tận tâm với học sinh. Nhưng thầy cũng có một thú vui là trong suốt 3 năm nghe giải tích của thầy (3 lần thi môn này) thì những thằng giỏi thế nào cũng được thầy "ưu tiên" cho thi lại một lần. Và quả đúng như điều tôi lo. Hắn bị thầy đánh trượt một kỳ. Hắn tức lắm nhưng tôi hiểu thầy rất quý và thương hắn.

Trong suốt những năm học đại học mặc dù có muôn vàn khó khăn nhưng hắn luôn là một tên tuổi của khoa trong lĩnh vực học hành. Hắn lao động, lao động đến điên dại để có được một sự thừa nhận trong con mắt thầy cô, bạn bè và xã hội. Tất cả các thế hệ học sinh khoa Toán lý thời đó đều khâm phục trí tuệ và nghị lực của hắn.

Tình yêu

Tôi xin lỗi trước vì kể chuyện riêng tư của người khác mà chưa xin ý kiến. Nhưng tôi thấy sẽ thiếu nếu không viết ra chuyện tình cảm của hắn để khắc họa đúng hơn chân dung của hắn. Và tôi kể chuyện này với tất cả tấm lòng trân trọng đối với hắn cũng như tình cảm của hắn.

Hắn học giỏi. Bạn bè nhìn hắn như một thần tượng. Nhất là các bạn gái. Hắn vốn dĩ nhút nhát, kém tự tin nên suốt quá trình học cùng, tôi chưa thấy bao giờ hắn thể hiện tình cảm với bạn bè khác giới. Thế mà bẵng đi một thời gian khi tôi từ bộ đội trở về thì nghe chuyện tày đình. Hắn định ứng cử làm "phò mã" của nước Việt. Đúng là khi yêu thì trời cũng thấp. Hắn lao vào một cuộc chơi không cân sức với nhiều đối thủ nặng ký hơn hắn và với chính ý thức hệ hủ lậu của tàn dư phong kiến. Hắn biến mình thành Đông-ky-sốt chiến đấu với cối xay gió một cách hiên ngang. Như ý thức được yếu điểm của mình hắn bắt đầu chăm sóc đến bộ gọng mà chúng tôi hay gọi đùa là bộ xương chống Mỹ. Hằng ngày hắn bỏ ra rất nhiều thời gian để tập tạ, tập xà kép và chạy. Tôi nhớ hồi năm thứ nhất thứ hai, hắn thường xuyên phải thi lại môn thể dục và có lần khi tập trồng cây chuối trên xà kép, hắn không sao nhắc nổi cái mông qua xà khiến ông thầy thể dục cáu, cầm gậy quật vào mông hắn và chửi là thằng hèn. Thế mà khi yêu hắn trở thành con người khác hẳn, mạnh mẽ, uy dũng. Hắn đánh xà kép như làm xiếc, tôi nhìn phát thèm. Ngực bắt đầu nở ra, chân tay săn lại và hắn rất hay cởi trần trước gương để ngắm mình. Hắn có thằng tình địch học cùng lớp ở trong nội trú. Thằng ấy cao to và là dân chơi đất cảng. Như là để tự răn mình, thỉnh thoảng hắn lại lấy thước dây đo vòng đùi đối thủ xem bao nhiêu phân. Và hắn lại phấn đấu kiên trì bất chấp mưa nắng. Hắn còn rất chịu khó đi bơi nữa. Tiền không có để vào bể bơi, sáng sáng hắn chạy ra hồ Thanh nhàn, lúc đó còn heo hút và toàn bè rau muống. Hắn xé bè rau ra đến những cái cọc người ta cắm để giữ bè khỏi trôi, treo quần áo lên đó rồi miệt mài bơi hàng tiếng đồng hồ. Sự quyết tâm của hắn mang lại kết quả rõ rệt. Hắn đã không còn là một bộ gọng vó mà là một đấng nam nhi thực sự. Còn ăn mặc thì cũng chỉn chu hơn. Quần áo đã được giặt giũ sạch sẽ chứ không cáu bẩn như trước (tất nhiên là không ăn diện vì hắn rất nghèo). Rồi hắn bắt đầu coi thường tình địch của mình vì hắn đã trổ mã chẳng kém gì thằng kia còn trí tuệ thì "ăn đứt". Cứ thế hắn lao vào theo đuổi bóng hồng mặc những lời can gián. Đối tượng của hắn là một người rất tốt và thân với tôi. Bạn ấy rất tôn trọng tình cảm của hắn, nhưng cũng thể hiện thái độ đúng mức và rõ ràng. Một lần tâm sự với tôi, bạn đó nhờ tôi khuyên hắn giúp. Nhìn thấy hắn si tình bất chấp thực tế tôi có khuyên nhủ nhưng hắn lại cho tôi là ươn hèn, là phá đám… Và những năm đó chuyện tình cảm làm ảnh hưởng đến việc học tập của hắn rất nhiều. Cũng vì chuyện tình cảm này mà hắn còn bị một "ông thầy" vốn cũng là tình địch đánh cho tơi tả. Nghe chuyện này tôi rất tức và lao đến nhà "ông thầy" chất vấn mấy buổi. Tôi nghĩ mình cũng hơi vô duyên khi cãi nhau tùm lum với ông ta chuyện của người khác nhưng tức không chịu nổi. "Ông thầy" thì một mực chứng minh lý do đánh hắn trượt lên trượt xuống vì hắn không chịu học, còn tôi thì khẳng định là thầy xấu chơi. Hồi đó chỉ được thi đến lần thứ 3. Nếu trượt hết thì bị đuổi học. Cãi nhau với "ông thầy" mấy hôm thì chắc là thầy ngán tôi quá nên hứa là sẽ chưa đưa kết quả lên khoa và tổ chức cho hắn thi thêm lần bốn. Và thầy giữ lời hứa. Còn tôi sau đó thì mới chợt lo đến thân. Tôi đang học năm thứ 3 và chắc chắn sẽ phải đối mặt với môn của "ông thầy". May mắn sao ông ta không thù tôi và cho tôi qua ngay từ lần thi đầu tiên.

Trong cái rủi có cái may. Sự cố Việt-Trung năm 1979 đã lôi hắn ra khỏi mối tình đơn phương đó. Tôi trộm nghĩ nếu không có sự cố đó thì có lẽ hắn sẽ phát rồ khi đối tượng của hắn đi lấy chồng. Và như thế thì ông trời thật bất công với hắn.


Một con người

Hàng đứng từ trái sang phải: Thực, Gia Bình, Quan Long
Hàng ngồi từ trái sang: Việt Hà, Quang Ngọc, Bình Thuận
(Ảnh chụp năm 1974, 4 bạn trang phục bộ đội đang học dự bị trên trường ĐH KTQS)
Khi chiến tranh Việt nam – Campuchia xảy ra, mâu thuẫn Việt – Trung trở nên căng thẳng. Những người Việt gốc Hoa bị lôi kéo xô đẩy làm căng thẳng hơn mối quan hệ láng giềng của hai nước. Hắn lên truyền hình giải thích chính sách nhất quán của Việt nam trong đối xử với người Việt gốc Hoa mà hắn là một đại diện được nhà nước Việt Nam đào tạo và nâng đỡ. Tôi rất kính trọng sự chân thực của hắn và tin rằng hắn sẽ ở Việt nam và được nhà nước Việt Nam trọng dụng. Thế rồi chẳng biết thế nào mà sau buổi truyền hình mấy ngày, tôi thấy hắn nhắn tôi lên nhà. Khi gặp nhau hắn rất buồn và chỉ nói rằng hắn sẽ ra đi không một lời giải thích. Hắn nói hắn muốn tặng lại bạn bè số sách mà hắn đã sưu tầm gần chục năm, toàn những sách quý, làm kỷ vật của một người ra đi. Tôi chết lặng và chẳng biết nói câu gì cho đến tận lúc ra về. Còn hắn ra đi âm thầm lặng lẽ. Mấy tháng sau phong phanh tin về là hắn phải đi làm nông trại. Bạn bè đều xót xa cho hắn. Và cũng từ đó hắn bặt tin luôn.

Một chục năm sau khi tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Matxơcơva có một đoàn cán bộ giảng dạy của khoa Toán đi hội nghị ở Amstecđam. Hồi đó kinh tế khó khăn nên các đoàn đi Tây Âu thường phải mua vé transit qua Liên xô cho rẻ. Đoàn vào ở nhà tôi mấy hôm chờ chuyến bay đi Amstecđam. Khi về đoàn lại ghé vào ở nhờ nhà tôi. Trong đoàn có anh Nguyễn Hữu Việt Hưng. Trong một buổi tối ngồi nói chuyện vô tình anh Hưng hỏi tôi biết một người tên là Hà Quan Long học Chu Văn An không. Tôi vô cùng ngạc nhiên và hỏi lại tại sao anh lại hỏi tôi như vậy. Tôi học cùng lớp với Hà Quan Long mà. Anh Hưng cũng ngạc nhiên lấy ra một tấm ảnh một người đàn ông to béo ngồi trong ghế phôtơi rất bệ vệ và hỏi tôi có phải đấy là hắn không. Tôi không thể nhận ra một nét nào của hắn cả. Ăn mặc chải chuốt, mặt tròn đầy đặn và to con như tây. Tôi đành thú nhận là không thể nhận ra hắn. Anh Hưng bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc gặp gỡ với hắn tại Amstecđam. Anh nói khi đang đăng ký thành viên hội nghị thì thấy có một người nói tiếng Việt đến hỏi anh có phải là Nguyễn Hữu Việt Hưng ngày xưa học ở Chu Văn An không. Khi biết đúng là anh Hưng hắn mừng ra mặt và cũng tự giới thiệu mình là "hậu duệ" chuyên toán Chu Văn An. Và rồi hắn kể cho anh Hưng nguyên nhân tại sao hắn xuất hiện tại hội nghị. Hắn đọc một tờ thông báo của hội nghị và thấy có tên NGUYEN HUU VIET HUNG trong danh sách hội nghị nhưng không có dấu tiếng Việt nên bán tín bán nghi không biết có phải Hưng ở Chu Văn An không. Cái tên đó cứ ám ảnh hắn mãi nên mặc dù hội nghị khác ngành hắn vẫn lặn lội tới chỉ với mục đích cầu may. Thế mà hóa thật. Và qua câu chuyện anh Hưng kể tôi xin chép lại cho các bạn cùng biết về quãng đời lưu lạc của hắn sau khi rời Việt nam.

Hắn qua Trung Quốc và đúng là bị đưa đi lao động trong nông trại tại một tỉnh phía nam. Trong số những người Việt gốc Hoa bị tập trung lao động cùng hắn thì hắn là người duy nhất không biết một chữ Hán nào. Hắn vô cùng vất vả vì chuyện này. Hằng ngày hắn lùi lũi đi làm như một thằng câm. Lao động thì vô cùng vất vả (Hắn không kể tường tận những vất vả đó). Thế rồi sau nửa năm ở nông trại các tổ chức từ thiện bắt đầu can thiệp. Số phận mỉm cười với hắn khi tổ chức nhà thờ biết được hắn đã tốt nghiệp đại học tại Việt nam. Họ lập tức can thiệp và hắn được đưa qua Hồng Kông. Tại đây hắn nhận được học bổng học lại đại học chuyên ngành công nghệ thông tin. Hắn như bừng tỉnh sau thời gian sống trong tuyệt vọng và lại lao vào học như điên. Kết quả là sau khi tốt nghiệp đại học lần thứ hai hắn tiếp tục nhận được học bổng làm Master tại Hà lan. Hắn cưới vợ cũng là người cùng cảnh ngộ từ Việt nam sang Hồng Kông và do công ăn việc làm chưa có nên đành để vợ (chưa có con) ở lại Hồng Kông còn một mình hắn sang Hà lan học. Khi hắn gặp anh Hưng thì cũng là năm cuối Master của hắn và hắn đang chuẩn bị trình luận án. Hắn có nói là sau khi bảo vệ xong hắn sẽ cố xin việc tại một công ty nào đó ở Hà lan và đưa vợ sang đó đoàn tụ.

Hắn cũng nói nhiều điều suy nghĩ riêng tư. Đặc biệt hắn vẫn khẳng định hắn là người Việt nam vì cho đến tận lúc đó hắn vẫn không biết một từ tiếng Hán nào cả. Giải thích nguyên nhân tại sao hắn không liên lạc với bạn bè hắn nói là rất nhớ và quý mến bạn cũ nhưng ngại phiền cho các bạn ở Việt nam. Hắn ước mơ sẽ có được một vị trí vững vàng trong xã hội Hà lan và lúc đó hắn sẽ tìm cách giúp đỡ bạn bè trong khoa học và cả về kinh tế. Hắn có nhờ anh Hưng nói với bạn bè là nếu không ngại thì viết thư cho hắn theo địa chỉ hắn ghi cho anh Hưng. Anh Hưng cũng giải thích cho hắn rất nhiều về những sự thay đổi trong cách nhìn của nhà nước Việt nam và hắn đừng ngại gì phiền phức cho bạn bè. Mặc dù vậy hắn vẫn không dám viết. Rất tiếc là khi đó hắn không biết tôi đang ở Nga và sẽ là người đón anh Hưng khi anh quay về Việt nam. Nếu hắn biết thì chắc tôi sẽ được biết nhiều hơn về cuộc sống của hắn.

Tôi có chép địa chỉ của hắn nhưng rồi vì bận nên chưa kịp viết thư cho hắn. Hết hạn nghiên cứu sinh dọn dẹp đồ đạc về Việt nam tôi đánh mất địa chỉ của hắn và rất ân hận vì một lần nữa lại bặt tin hắn từ đó. Nhưng tôi vẫn tin là chúng ta còn được gặp gỡ và hàn huyên với hắn trong tương lai không xa như hắn vẫn khẳng định hắn là người Việt nam 100%.

Tôi cũng luôn cầu chúc cho hắn một cuộc sống tươi đẹp xứng đáng với nghị lực phi thường của hắn, nghị lực của một CON NGƯỜI viết hoa.

Nguyễn Minh Hải
Hà Nội tháng 8 năm 2003



 

Tắm “tiên” trên sông Đáy...

Khi đi sơ tán trong Kim An, bọn con trai lớp mình hay rủ nhau ra sông Đáy tắm và bơi. (Tiếc là hồi đó không rủ được các bạn nữ nhỉ?). Thậm chí Hải dớ và Phan sấn còn tỷ thí bên bãi cát ven sông đúng không? Mình còn nhớ, một hôm trời rất rét, ko hiểu vì sao Hà Long lại không có quần đùi để thay. Thế là hắn quyết định tắm “tiên” và còn bơi tít ra xa. Không hiểu sau đó có ai giấu quần đùi của hắn đi và tham gia tắm tiên nữa không thì chịu...

Quả là tiếc vì đến giờ chúng ta vẫn chưa liên lạc được với Hà Quan Long. Sang đây mình có nhờ một cậu bạn người Đức làm ở Deutsche Telekom, nhưng cũng chưa tìm được tung tích hắn trên mạng.
Nguyễn Khang



Những người bạn ở xa

Do hoàn cảnh, Hà Quan Long đã phải rời VN định cư sinh sống ở nước khác. Ở đâu, chúng ta chẳng có thông tin gì. Manh mối duy nhất của anh Nguyễn Hữu Việt Hưng cũng chẳng giúp gì cho chúng ta. Long ngại chuyện này nọ không viết thư về, chứ chắc chắn Long còn nhớ nhiều địa chỉ của lớp.

Cũng do hoàn cảnh mà Long mới học ở Chu Văn An, đúng ra bạn ấy đã học ở chuyên toán ĐHSP.

Hồi xưa học Toán nghiêm túc có lẽ chỉ có Hà Long và Mạnh Sơn. Chúng mua nhiều sách và đọc nhiều sách lắm, anh em thường bắt trước chúng. Sau lên đại học chúng học khiếp lắm, rất chăm, rất giỏi, nổi tiếng K18 ĐHBK. Long nói say sưa về nhiều lý thuyết cao siêu mà khi ấy tôi không hiểu gì.

Tôi nhớ khi sơ tán ở Kim An Long tập bơi rất đều đặn, bài bản, bơi dọc sông Đáy chứ không bơi ngang sông. Chúng tôi nô đùa trên sông nước, còn Long là luyện tập. Khi ấy Long gầy nên tập bơi là môn thể thao rất bổ ích cho cơ thể. Cũng do cái dáng lèo khèo yếu yếu ấy mà đá bóng Long không nổi bật vì hay bị các bạn tranh cướp dễ dàng.

Khi tôi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô trở về thì được biết Long đã đi về Trung Quốc. Trước khi đi Long còn sang nhà Thuận Hà tâm sự mãi với chú Trí. Thế là từ lúc ra trường không gặp Long. Trong tôi còn mãi hình ảnh một học sinh cao dong dỏng nhưng có một nghị lực vô cùng lớn lao trong học tập.

Bùi Quang Ngọc



Những người bạn

Người bạn đầu tiên mà tôi nhớ là Hà Quan Long. Kỉ niệm sâu sắc nhất của tôi về bạn Long là từ đầu năm lớp 7. Dạo hè năm 1969, tôi bị ốm (sốt xuất huyết) thập tử nhất sinh. Khi các bạn khác đã tập trung học thì tôi vẫn đang nằm bệnh viện. Khi ra viện tôi vẫn rất yếu không đi học ngay được, thế là thầy Đính giao nhiệm vụ cho Hà Long vì ở gần nhà tôi hàng ngày đến giảng lại các bài học trên lớp cho tôi. Và ngay từ những ngày đầu tiên tôi đã thấy Long là một người rất thông minh và hóm hỉnh. Long không những giảng lại những gì đã học ở lớp cho tôi một cách cực kì dễ hiểu mà bạn ấy còn luôn pha trò làm cho không khí học lúc nào cũng vui. Sau này Long luôn luôn là một trong những người bạn thân nhất của tôi và của cả gia đình tôi nữa. Khi tôi đang học ở Liên Xô, bố mẹ tôi có viết thư kể rất nhiều chuyện rất cảm động về Long, nhất là trước khi phải đi di tản (cứ nghĩ đến chuyện này tôi lại thấy đau xót vô cùng) Long đến nhà tôi nói chuyện và khóc rất nhiều lần vì Long phải xa bạn bè, xa đất nước đã gắn bó với Long từ bé. Mãi đến hôm nay Long vẫn chẳng có thông tin gì cả, chẳng biết đến bao giờ bọn mình mới gặp lại Long, người bạn tài giỏi, thông minh, hiền lành của 10I đây. Cũng chỉ rất mừng là bọn mình biết Long bây giờ đã rất thành đạt, còn chuyện gia đình, vợ con thì chẳng ai biết gì cả.

Bùi Bình Thuận


 

Hồi phổ thông bọn con trai và con gái không thích nói chuyện với nhau...
Ba năm cấp 3 là tôi gặp may nhất. Nếu có phải nói thì chỉ phải nói với lớp trưởng- Ngọc- về những việc hàng ngày trong lớp là nhiều nhất. Tuy hay lầu bầu, nhưng bạn rất nhiệt tình trong mọi việc, ý kiến thường đúng mực và xác đáng. Chỉ đến cuối năm lớp 10, Hà Quan Long đưa bọn tôi đến phù đạo cho con thầy dạy Nga Văn, cả bọn mới tự hỏi, tại sao trước đây bọn mình không thân thiết hơn được nhỉ? Có lẽ đấy là lần đầu tiên tôi nói chuyện với Long sau 3 năm học... Những ký ức nho nhỏ còn lưu lại trong trí nhớ của tôi như: Gia Bình Việt Hà học giỏi cả toán và văn, Khôi hiền và cao nhất lớp, Long có dáng đi quân sự chuẩn nhất, Hải thủ gôn giỏi nhất, QAnh người ít nói nhất, Hoà Bình đẹp trai nhất ...
Trần Phương Liên




Kỷ niệm về Hà Quan Long

Tôi và Hà Quan Long không thân nhau lắm trong lớp tuy nhiên có một vài kỷ niệm nhỏ xin kể lại cùng các bạn.
Các bạn hãy nhớ lại thời gian đầu lớp 8, khi ra chơi ta thường thấy Hà Quan Long và Khôi hay sánh vai đi với nhau và bàn chuyện gì rất lạ, khó hiểu. Hai bạn đó có cái đầu hơn tất cả những người còn lại ở trong lớp, họ có những suy nghĩ riêng mà không chia sẻ được với các bạn khác.
Tôi nhớ là vào thời gian đó Long hay sang gặp tôi và trình bày về những bài toán mới với nhiều kiến thức mới. Những kiến thức mới như lim trên, lim dưới, phương trình bậc 3, tích phân, số thực, ảo... Long nói nhiều còn tôi chẳng hiểu gì nhưng vẫn cố ngồi nghe ra vẻ hiểu biết. Tôi còn nhớ Long nói: "chỉ có cậu là tớ tâm sự được, bọn còn lại ở lớp mình chẳng hiểu gì và chẳng ai quan tâm về những cái này". Thời gian về sau hình như tôi cũng không chú ý nghe Long nói nữa nên chắc hắn chán và đã đi tâm sự với người khác.
Mãi về sau này tôi mới hiểu được tâm trạng của người đam mê một cái gì đó, muốn trình bày cho người khác nghe nhưng chẳng có ai chịu nghe mình cả.
Thời gian không thể quay lại được để tôi có thể ngồi nghe Long nói được lâu hơn và nhiều hơn.

Bùi Việt Hà 




Ngồi học trong lớp...
Song có lẽ một “cú sốc” nữa đối với giáo viên văn là Hà Long bắt Bầm của Tố Hữu phải làm xiếc giữa mùa đông giá lạnh với giọng rất truyền cảm: “....Tay lội dưới bùn, chân cấy mạ non”. Thầy Dương phải bắt đọc lại, hắn vẫn đọc vậy, đến sau 3 lần hắn mới không bắt Bầm phải “trồng cây chuối” nữa.

Những ngày sơ tán gian nan và vui nhộn...
Con sông Đáy cũng gắn với nhiều kỷ niệm của thời đó. Quần áo ít thành ra “tắm tiên” là chuyện bình thường và người tắm tiên thường xuyên nhất là Hà Long mặc dù chẳng ai muốn “chiêm ngưỡng” thân hình của hắn cả. Tuy vậy, tài bơi của hắn thì cũng đáng kính nể. Hắn bơi ngược dòng rồi khi mệt thì cứ nằm ngửa trôi sông, chắc lúc đó hắn đang suy nghĩ về toán giải tích giả tót gì đó. Trong lúc “triết gia” Hà Long còn để suy nghĩ trôi theo dòng sông thì hai chú gà chọi Hải dớ và Phan sấn lại xù lông (mà cổ thì không có lông), thách đấu nhau trên bờ sông.

Đi tìm đồng đội...
...tôi tin rằng, chẳng bao lâu nữa, 10I chắc chắn sẽ “tóm” được tên Hà Long, dù rằng hắn ở đâu đi chăng nữa. 

Lê Viết Thái



...Bạn Hà Long không chỉ là người giỏi Toán một cách đặc biệt đến khó hiểu (xem lời giải toán của Hà Long thì biết!), mà còn là một người có sức đọc sách rất rộng: Vật lý, Hoá học, Sinh học, toàn là các lĩnh vực cao cấp. Tôi phục sát đất. Không biết bây giờ Hà Long ở đâu? Nhớ mãi công thức thí nghiệm sinh học = một bát mỳ nuớc và 5 xu kẹo bột của Hà Long.

...Quang Toàn hay Hà Long nhỉ, mải nói chuyện trong giờ Văn cứ lẫn lộn giữa “không nhớ anh răng được” với “không nhớ răng anh được” khi bị thầy cô hỏi về bài thơ của Trần Hữu Thung.
Vương Mạnh Sơn



...Còn với Hà Long, hồi đó  vì là  người học giỏi và hay có những ý tưởng “cao siêu” nên tôi rất bái phục không những trong học mà còn trong nhiều chuyện, có một kỷ niệm với Long là “xử lý” vấn đề đi học muộn, hàng ngày cứ đến giờ thấy trống trường nổi lên là cổng trường đóng lại là đội cờ đỏ ra ghi tên những người đi muộn tôi bị mấy lần, Long cũng như tôi nhưng không bao giờ bị tội cả, tôi hỏi Long làm sao? Long cười toe toét và nói tớ bày mưu cho, các cậu nên dừng xe trước cổng trường rồi lấy hai tay quệt vào xích và giơ tay bẩn cho đội cờ đỏ và nói xe tớ bị tuột xích và thế là thoát. Đúng là nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Trước hôm Long đi tôi có đến thăm Long ở nhà (83 Hàng Bông) hai thằng nói chuyện rất nhiều và Long rất buồn tôi chỉ  biết an ủi vì lúc đó tôi cũng không hiểu gì, không biết có còn được gặp lại Long hay không?
Đỗ Huyền Diệp
 

12 comments:

  1. Một entry rất cảm động ...
    Bài viết của anh Hải hay thật

    ReplyDelete
  2. Một bài rất có chất lượng, cảm ơn VH!
    Những người như anh Long rất hiếm gặp trong đời. Lớp Đỏ không có những người như thế. CT cùng với anh M. Hải cũng nhiều năm mà đọc 10i lớp tôi mới biết Hà Quan Long. Anh Vương Mạnh Sơn thì có nghe tiếng trong Khoa Toán Lý, trường ĐHBK.
    Nói đến chuyện học trước chương trình, hồi năm 1973-1974 GS. Nguyễn Hoàng Phương có mở lớp dạy Toán cao cấp cho tất cả các các đối tượng, CT cũng tham gia lớp này và có đạt giải thưởng kỳ thi kết thúc. Lớp này chắc có nhiều anh chị khóa trên tham gia nhưng vì khác lứa tuổi nên hầu như không trao đổi gì với nhau, ngay cả cùng lứa biết nhau rồi cũng thế.
    Học Toán cao cấp ở lứa tuổi 14, 13 đúng là chưa tới. Có nhiều khái niệm mới mà cần có trải nghiệm mới nhận thức được. CT học hồi đó cứ phải "tạm bỏ qua" nhiều thứ để cố bám lấy sợi chỉ xuyên suốt chương trình, sau này lên đại học học lại mới hiểu ra.
    Thầy Khải nói rất đúng là "hồi các em học đâu có tích phân", những khái niệm lim, tiệm cận, giải tích, hàm, phiếm hàm... đều không có. Thế mà ngày nay họ đưa gần hết các khái niệm đó vào chương trình phổ thông, không hiểu là các nhà giáo dục VN định đào tạo "siêu nhân" hàng loạt hay sao? Hậu quả như thế nào chắc chúng ta phải đợi chục năm nữa sẽ có tổng kết! Tình hình này "cách mạng giáo dục" chắc chắn sẽ xảy ra, nếu không thế hệ chúng ta có tội với đất nước!

    ReplyDelete
  3. Cảm ơn VH đã đăng bài tổng hợp về Hà Quan Long.Tất cả bọn chị đều luôn nhớ đến Long. Ai cũng tự hỏi bây giờ bạn đang ở đâu, làm gì, sống ra sao... Mặc dù tất cả đều biết rằng Long rất giỏi, với kiến thức của bạn, bạn sẽ có chô đứng ở bất cứ nơi nào.
    Và biết đâu blog iCVA sẽ kết nối được Long với Trò thầy Khải thì hay biết bao.

    ReplyDelete
  4. Hè 2006 Ngọc (và gia đình) chủ động đi nghỉ ở Bắc ÂU, Thụy Điển & Đan Mạch để cố tình gặp Long. Bạn ấy ngại gì đó mà lảng tránh cuộc gặp gỡ đó. Ngọc vẫn đi Đan Mạch, hôm trước đó (khi đang ở Thụy Điển) có gọi điện cho Long xem Long có đổi ý muốn gặp ko. Nhưng Long ko đổi ý. Hôm sau tôi vẫn bay sang Đan Mạch mà lòng ko vui.
    Hy vọng Long sẽ đổi ý. Tôi sắn sàng lại đi Đan Mạch để gặp Long.
    Ngọc, i-Xanh

    ReplyDelete
  5. Nhờ Admins sửa mấy lỗi chính tả (có lẽ lỗi đánh máy) cho khỏi phí bài viết hay đầy tình người của anh NM.Hải

    ... Ngòai giờ đi học
    ... tóan
    ... tòan là những chuyện cao siêu
    ... thỉnh thỏang
    ... đào tạo và năng đỡ
    ... có một đòan cán bộ giảng dạy của khoa Tóan
    ... đòan tụ
    ... rất nhớ và quý mếm bạn cũ
    ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thay mặt một người hùng trầm lặng (không phải mình) đã sửa bài, cám ơn DC

      Delete
  6. Quên mất ko kể chuyện có đầu có đũa.
    Năm 2003 Minh Hải viết bài trên, trong "10I Lớp tôi", và VH đã lọc những đoạn mà các bạn khác cũng viết về HQLong.
    Đến 2006 thì qua 1 người họ hàng mà chúng tôi có được email, ddienj thoại của HQL. Lúc đó HQL đang ở Đan Mạch. Chúng tôi, trong đó có tôi, đã liên lacj qua email, tồi còn gọi điện cho HQL. Nhưng khi nói chuyện là hè tôi sẽ sangthawm bạn, HQL đều lảng tránh, nói rắng khi đó ko ở Copenhagen. Tôi có nói cậu ở đâu cũng được, tớ đến Đan Mạch là tìm cậu ngay, nước Đan Mạch bé xíu mà. Và hè năm 2006 đó, tôi lên kế hoạch du lịch châu ÂU, trong đó có 1 nước Bắc ÂU là Thụy Điển và Đan Mạch, mục đích là để gặp được Long.
    Đoạn sau thì như tôi đã viết ở comment trên

    ReplyDelete
  7. Đọc lại bài viết của Minh Hải về Hà Quan Long vẫn thấy hay.
    Năm 2006,mình cũng đã trao đổi qua email với Long được 1 lần và sau đó là không thấy trả lời nữa.
    Dù với bất cứ lý do gì cũng thật là tiếc.
    HB i Xanh

    ReplyDelete
  8. Bài viết về Hà Quan Long thật là cảm động. Cảm ơn Hải nhiều.
    Còn nhớ 1 lần trong giờ văn, cô giáo bảo Long đọc một đoạn bài thơ Thăm Lúa của Trần Hữu Thung, bạn ấy đọc mấy lần không xong cái đoạn "Em nhớ ruộng nhớ vườn/ Không nhớ răng anh được". Mọi người cười ầm, vì phải đọc ngược là "không nhớ anh răng được".
    Cũng khoảng năm 2005, 2006 Long cũng gửi cho mình 1 thư, kể chuyện cuộc sống, vợ con ở bên đó. Mình cũng trả lời bạn, sau đó bạn bặt tin luôn. Mong sao bạn vẫn theo rõi thư và blog trothaykhai để biết rằng mọi người vẫn yêu quý Long và nhớ đến bạn ấy.
    Thủy i Xanh

    ReplyDelete
    Replies
    1. À quên, chưa kể với mọi người là người họ hàng của HQL mà cho 10i điện thoại và email của Long lại chính là chị con bác ruột mình. Mình là họ đằng nội, còn Long là họ đằng ngoại của chị ấy. Mãi sau này mình mới biết điều đó, có lẽ vì thế nên Long tự nhiên lại viết 1 thư dài cho mình. Để thư này trên internet 6, 7 năm rồi nay tìm mãi không thấy. Rất tiếc. Mình sẽ thử hỏi lại chị mình xem lâu nay có biết tin gì của HQL không.
      Thủy.

      Delete
    2. Quên quên chưa kể, người ban đầu đưa tin địa chỉ (từ họ hàng) của HQL về cho 10i là Vương Mạnh Sơn. Sau đấy Sơn lại kể với mình là chị họ mình có họ hàng với HQL. Lúc đó mình mới biết.
      Mình còn được xem 1 số ảnh của Cả gia đình HQL ở nhà Nguyễn Khang, không biết Khang còn liên hệ với HQL ko?

      Delete
  9. Hu hu hu,
    Đọc bài bác Hải viết mà thấy cảm động quá chừng.
    Năm 1979, khoa Chế tạo máy, BKHN cũng có một trường hợp giống như anh Hà Quan Long.
    Một bạn tên Hàn Triều Dương, học khá giỏi cũng phải bỏ học di tản do thời cuộc. Sự ra đi của bạn này cũng để lại nhiều điều tiếc nuối cho đám bạn học tụi em. Khác với anh Long, cậu bạn này đẹp giai và khá nhiều tài lẻ, đàn hay hát tốt, và đá bóng cũng thành thần. Tuy không cùng học phổ thông và cũng chỉ mới học với nhau hai năm, song do chơi chung mà tụi em cũng quen nhau khá thân.
    Nhắc lại những chuyện này chỉ thấy buồn và .... bất lực.

    Ra đi trong đợt này, trường CVA cũng có thấy Thành dạy vật lý của bọn em năm lớp 9. Thầy dạy không hay nhưng hiền lành và rất chân tình với học trò. Thật không ngờ sau đó bọn em được nghe tin thầy trở thành một hồng vệ binh cốt cán.

    Thực tế con người thật nhỏ bé trước những biến động của thời cuộc, cho dù đó là đại cách mạng hay tiểu cách mạng.

    Hề hề hề,...

    ReplyDelete