Tuesday, October 16, 2012

Canh gà Thọ Xương?

Thế là những trao đổi mang tính "học thuật" của iCVA trong bài viết "Nói hay đừng" đăng hồi tháng 8 đã tràn lên mặt báo trong mấy hôm nay. Trong bài viết đó tôi có đưa ra "tác phẩm" dịch xuôi dịch ngược như sau:

 (trích nguyên văn)
"Chúng ta ai cũng biết câu ca dao:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương ...
Nói ca dao nghĩa là tác giả khuyết danh nhưng sự tích của câu ca dao này rất kỳ bí chẳng kém cách dịch ra tiếng nước ngoài sau đây (có nhiều công trình văn học nghiên cứu về câu ca dao đơn giản này). Có thể hiểu "la đà" ở  trong câu ca dao bị "danh từ hóa" thành con la và con lạc đà và như vậy cành trúc phía trước sẽ là cây roi chăn la và lạc đà. Tiếp theo, Thiên Mụ được hiểu là Vợ Trời, "canh gà" được hiểu là canh của con gà (không biết đã "quan hệ" hay chưa? :P) nhưng lại thêm Thọ Xương phía sau nữa thì chắc là "nhừ" lắm rồi không biết chừng thọ đến U60 chứ chẳng chơi. Bản dịch ra tiếng Pháp thì chắc phải nhờ Việt Hải phụ trách vì tôi không biết tiếng Pháp. Nhưng tôi lại biết bản dịch ngược từ tiếng Pháp ra tiếng Việt của câu ca dao trên thành 4 câu thơ "ca rào" như sau:
 Roi tre vun vút  vung ra
Lũ lạc đà với lũ la chạy cuồng...
Vợ Trời giáng một hồi chuông
Gọi về ăn bát canh xương gà Tầu!"
Sau đó trong phần bình luận, tôi cùng TN cũng đã "giải mã" hai câu thơ này:
"HeHe, chú TN xem ra cũng thông kinh thạo sử đấy nhưng chưa đến cùng đâu. Bốn câu thơ đó thì chẳng người Hà Nội nào không biết, vấn đề là phải lý giải sao nó lại chạy vào Huế và biến đổi thành như vậy. Nói thêm là 2 câu đầu "Gió đưa cành trúc la đà..." được ví như bản dịch thuần Việt của Phong Kiều Dạ Bạc vì cấu trúc tương tự và cũng nhắc đến hai địa danh Trấn Vũ (hoặc Thiên Mụ) và Thọ Xương thay cho Cô Tô và Hàn Sơn. (Lưu ý là bản dịch của bác Khiêm chỉ có 1 địa danh Hàn Sơn nên chưa chuẩn bẳng Tản Đà chăng, mặc dù hay hơn về thơ?- Trong phần bình luận chúng tôi có bàn đến bản dịch Phong Kiều Dạ Nguyệt của Tản Đà và của Phạm Năng Khiêm - bố của DC).
Nguyên tác của 4 câu thơ tả cảnh Hà Nội là của Dương Khuê, bạn thơ Bá Nha - Tử Kỳ với Nguyễn Khuyến, (viết bằng chữ Nôm):
"Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trần Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Dịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ”
Sau này con cháu nhà họ Dương sửa thành 4 câu ca dao trên và đăng trong "Hà Nội tức cảnh".
Tiếp theo người mang nó vào Huế và sửa thành 2 câu ca dao như trong bài viết là Phạm Quỳnh (1892 - 1945), vì cảnh chùa Thiên Mụ và mặt sông Hương gợi nhớ đến Hồ Tây Hà Nội. Phía bên kia sông Hương có địa danh là Thọ Cương giống với Thọ Xương. Nhiều nhà thơ cùng thời không đồng ý với Phạm Quỳnh nhưng "dân sao cãi lại với quan" và thế là ra đời 2 câu ca dao mới mà lưu truyền đến nay. Thậm chí chỉ cần ngâm "Gió đưa cành trúc la đà" là người ta biết ngay là "hoài cổ", "thủ cựu", "chống chính quyền", nên ông nội DC ngâm bài Phong Kiều Dạ Nguyệt là cũng có ý này chăng?
Dân xứ Huế thì thích đọc 2 câu ca dao sau:
"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Cương"
vì địa danh như vậy thuần Huế hơn. Do không có con nên Tự Đức kiêng dùng chữ "Thiên" và đổi thành chữ "Linh" năm 1862.

Tiếp đến ca dao 4 câu người Huế sửa thành:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.
Thuyền về xuôi mái dòng Hương,
Biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay?

Đến đây thì 4 câu ca dao của Hà Nội trở thành 4 câu ca dao thuần Huế một cách kỳ lạ. Xem ra các cụ ta trước cũng hay "chế lời" lung tung lắm, chẳng khác iCVA bây giờ. Mà chúng ta lại còn dịch ra tiếng nước ngoài rồi dịch lại tiếng Việt cơ mà. :D

Thêm một version nữa cho chuyện dịch này:
Trời nổi cơn bão lớn
Lao xuống tà vẹt đường
Vợ trời đánh một tiếng chuông
Canh gà húp vội, hóc xương mấy lần"
TN đáp lại:
Có lẽ giai thoại rằng ông Phạm Quỳnh "chế " bài thơ của Dương Khuê là khả tín ...
Hoá ra anh Thành "điều nghiên" rất kỹ về giai thoại văn học này ...

Hình như sau khi Đặng Trần Côn chuyển sang tiếng Hán , Đoàn Thị Điểm dịch lại bài thơ này thành:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Lũ la đà chạy cuống cà kê
Xa xăm văng vẳng tiếng chuông
Vì ai ta phải ăn Canh gà hầm ..."

Không biết có phải món "canh gà" quá hấp dẫn, nên các học sinh trường Lomonoxop đã "chế" món này vào bài tập văn và vô tình tạo ra cơn bão dư luận mấy ngày nay.
"Câu chuyện bắt đầu bằng sự phản ứng từ phía một phụ huynh có con học lớp 7A10 THCS Lômônôxôp (Hà Nội) cho biết: Khi đi học về, con gái kể những câu ca dao được cô dạy trên lớp và đòi bố mẹ đưa đi ăn món "canh gà Thọ Xương". Anh hoảng hốt hỏi "ai nói với con có món này?", thì được trả lời là "cô giáo dạy Văn".
Sau phút sửng sốt, anh gặng hỏi con và cháu vẫn trả lời "cô dạy thế". Cháu nói "nhiều bạn lớp con làm thế, chẳng lẽ chúng con nghĩ sai giống nhau?". Để kiểm tra thông tin, anh gọi điện cho một số bạn học của con gái, hỏi về bài kiểm tra. Một nam sinh kể: "Con được cô dạy như thế. Con viết nguyên vào bài và về nhà bị bố mắng". Trong tất cả ý kiến mà phụ huynh kể lại đều nói rằng học sinh nói rằng: “Cô dạy con như thế”. Tức là, trong  trường hợp này, dưới con mắt của phụ huynh, cô giáo Hà Thủy đã sai nghiêm trọng về nghiệp vụ sư phạm cũng như kiến thức. Không giữ được bình tĩnh, phụ huynh đã liên hệ với Ban giám hiệu nhà trường, công khai trên báo chí."
Cần nói thêm là cô giáo sai không chỉ ở kiến thức mà ngay câu nhận xét bên cạnh cũng viết sai ngữ pháp. Chữ "Song" viết sau dấu chấm là bắt đầu một câu mới không có chủ ngữ.
Sự việc được đẩy lên đỉnh cao khi cô giáo Hà Thủy đã bỏ về quê và phải "nhập viện" khiến cho cư dân mạng lo lắng và quay lại ủng hộ:
"Sáng nay, tôi đọc được thông tin, cô Thủy đã xin nghỉ việc, về quê, thậm chí là bị áp lực quá khiến cô phải nhập viện. Đó là điều dễ hiểu, cô giáo còn quá trẻ để “ứng phó” với cú sốc này, sai lầm đó khiến họ bị mất uy tín. Liệu cô có thể tự tin đứng giảng ở một trường khác không? Học sinh có coi thường vì lỗi nhỏ của cô trong quá khứ hay không?"
Làn sóng ủng hộ lại đi quá đà biến "sai" thành "đúng", cô Thủy từ "nạn nhân" trở thành "người hùng" còn học sinh (người đã cho phép đăng bài văn lên mạng) lại trở thành nạn nhân, bị các bạn dè bỉu, tẩy chay. Nên nhớ là trường Lômonoxop là trường "chuyên ngữ" xưa, chọn toàn những em học sinh có khả năng ngoại ngữ và định hướng thi khối D. Câu nói "cô Thủy đúng là sai" hay "cô Thủy sai là đúng" trong trường hợp này trở thành đồng nghĩa và còn có nghĩa khác nữa là nhờ có sự kiện này mới thấy cách dạy văn trong trường phổ thông không thu được kết quả nào cả: từ kiến thức, cảm nhận văn học đến ngữ pháp và cách hành văn.
Một câu hỏi nữa được đặt ra là liệu những người đang hùng hổ chê bai trên mạng có hiểu mấy câu "ca dao" này thật thấu đáo? Câu trả lời là "chưa chắc"!
Thực chất đây chưa phải là ca dao, vì tác giả của nó đã được chỉ ra, chưa bị dân gian hóa hoàn toàn. Bốn câu này của nhà thơ Dương Khuê, trong bài Hà Nội tức cảnh, nguyên văn như sau: “Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày An Thái, mảnh gương Tây Hồ”, (dẫn theo Trần Trung Viên trong Văn đàn bảo giám, cuốn 3, NXB Nam Ký, Hà Nội, 1926; Mặc Lâm tái bản, Sài Gòn, 1969, trang 159; tài liệu do nhà phê bình Đặng Tiến cung cấp). Trong Thơ văn Hà Nội do Trần Huy Liệu chủ biên, cũng viết như vậy.
Nên hiểu mấy từ khó trong bài này như sau: Thọ Xương là tên huyện, quanh vùng Hồ Gươm ngày trước, ngày nay là khu vực Chương Dương, Hàm Tử Quan. An Thái (hay Yên Thái): làng làm giấy, có tiếng giã giấy, vùng Bưởi, Hà Nội. Ngàn tương đương với “bờ”, chứ không phải “rừng” hay “một ngàn”. Đây là cách tả cảnh rất ước lệ của Dương Khuê, như Tô Hoài từng nhận xét: không thể cùng lúc mà nghe thấy tiếng nhịp chày An Thái và canh gà Thọ Xương được, vì chúng cách xa nhau.
Sự tích văn học này thật là ly kỳ và còn tiếp diễn bởi những nhận xét rất "nhân văn" của anh chị em ichuvanan. Để nhớ lại thời học sinh, tôi dẫn ra đây bài thơ "chế" mang đậm kỷ niệm xưa:
Gió đưa cành trúc la đà.
Tiếng chuông hết tiết, canh giờ chạy ra.
Mịt mù bóng của học sinh.
Chạy đi mua bánh, nhanh không hết giờ.

23 comments:

  1. Nhà mình hay a dua ném đá ..
    Cô giáo "người hùng - nạn nhân" biết đâu do đọc blog iCVA và bình luận của anh CT nên bị "brain washed" theo hướng Canh Gà hầm ...

    Nói chung mọi "lâu đài" ảo tưởng xây trên cát đều dễ sụp đổ, trong đo có "lâu đài" Giáo dục ...,

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhà mình là nhà nào thế, TN?
      CT viết thế là "nhẹ" đi rất nhiều rồi đấy. Trên Báo Giáo dục (giaoduc.net.vn) có tới 8 bài đăng về vụ này theo cả 2 hướng và bây giờ nhiều người lại thấy cô giáo đáng thương hơn đáng trách.

      "Sau khi bài văn của một học sinh có món ăn đặc biệt "canh gà Thọ Xương" đăng báo, trên facebook xuất hiện một hội có tên Tìm lại công bằng cho cô Hà Thuỷ và danh dự của trường Lômônôxốp.

      Trên hội này, đa số các thành viên đều ủng hộ cô Thủy và mong cô quay trở lại trường để tiếp tục với công việc hàng ngày. Không chỉ vậy, nhiều thành viên của hội (học sinh của trường Lômônôxốp) còn chia sẻ tình cảm của và những kỷ niệm với cô Thủy trong những ngày học tại trường."

      Nói cho cùng nếu cô giáo không sai về mặt kiến thức mà chỉ sai khi không chữa bài cho học sinh, thì lại mắc thêm một lỗi là chấm điểm cao (tất cả đều trên 8 điểm) cho những bài văn còn nhiều sai sót và mọi người thấy rõ cách học môn Văn trong trường PT là như thế nào. Nếu không đi học cô, có được những điểm 8 này hay không?

      Delete
  2. Bài này label (mục nào) là gì nhỉ? Anh thử vào các mục đầu ko thấy có?

    ReplyDelete
  3. Em nói nhà mình là ... Báo chí ....
    Nói Nước mình thì nó to tát quá ... :-)))
    Ông Hiến chả có câu nổi tiếng
    " cái nước mình nó thế"
    ....
    Thời buổi "kinh tế thị trường" sống gấp thễ các lớp trẻ biết đâu "canh gà " là canh gì mà bắt họ Bình mới chả Luận ...
    Lần trước có cô bé viết toạc ra là cô ta chả thích gì Văn tế nghĩa sỹ ...
    Vụ ấy tranh luận cũng sôi nổi ...
    Cái chính là Giáo dục xuống cấp
    Chất lượng đào tạo kém đi
    Con người phân tán vào nhiều thứ khác
    Báo chí xuống cấp ...
    Tất cả những thứ đó tạo nên kết quả tất yếu ...

    Buồn cười là anh CT như nhà Tiên Tri ... Nostradamus ... :-)))

    ReplyDelete
  4. Ôhô, món "canh gà = cháo gà" hay "canh gà = canh giờ ban đêm về sáng gà gáy" ở địa danh Thọ Xương chưa có hồi kết ACE nhé.
    Xem bài này trên blog Hiệu Minh, chả biết đùa hay thật, đúng/sai ranh giới khó lường.

    http://hieuminh.org/2012/10/17/canh-ga-tho-xuong-dung-la-canh-ga/

    “Nguyên bản cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập hiện đang lưu trữ tại thư Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có chép bài thơ mang tên Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê”

    Nguyên văn viết: 裊裊搖風竹,蒼蒼鎮武鐘,壽昌多故舊,同買燉雞湯。煙鎖西湖水,杵驚安泰鄉,河城斯美景,最耐客思量

    “Niểu niểu dao phong trúc, thương thương Trấn Vũ chung, Thọ Xương đa cố cựu, đồng mãi đốn kê thang. Yên tỏa Tây Hồ thủy, chử kinh Yên Thái hương, Hà thành tư mỹ cảnh, tối nại khách tư lương.”

    Dịch nghĩa nôm na: Gió lay trúc phất phơ, chuông Trấn Vũ xa thẳm, quán Thọ Xương nhiều ông bạn cũ, đều đến mua canh gà hầm. Khói sương vây bủa mặt nước hồ Tây, nhịp chày kinh động làng Yên Thái, cảnh đẹp này của Hà Thành, khiến khách nhớ nhung nhất.

    Phía dưới có một dòng chữ nhỏ, chú rằng “sau khi bài này làm ra, sĩ phu tranh nhau ngâm tụng. Bà Thọ chủ quán Thọ Xương mắng tiếng, đích thân đến nhà ta xin chữ, song lại cầu ta diễn ra quốc âm ngõ hầu hiểu được trọn nghĩa.

    Ta liền bỏ hai câu cuối mà diễn lại rằng:

    “Gió đưa cành trúc la đà
    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
    Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
    Dịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ.”

    ...

    “Sáng nay có cậu bạn làm trong Viện Hán Nôm bảo, trong sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh (144 tr., 27 x 15. Ký hiệu: A.2185 Thư viện Viện Hán Nôm) cũng chép bài thơ này. Xin lưu ý, Dương Khuê viết thơ bằng chữ Nôm, nỏ phải chữ Quốc ngữ. Nguyên văn viết chữ Canh là 羹 (bát canh, món canh), không phải 更 (canh khuya, canh chầy). Chứng tỏ canh gà là món ăn, chứ chả phải tiếng gà tiếng qué gì cả. Chắc hồi ấy các cụ đi tập thể dục từ sáng sớm, khi chùa Trấn Vũ đổ chuông, quán Thọ Xương mở hàng, các cụ rủ nhau vào ăn canh gà.”

    http://www.tathy.com/thanglong/showthread.php?t=28159&page=11

    ReplyDelete
  5. Hay quá, blog iCVA ta đăng ký bản quyền "Canh gà Thọ Xương" đê!!
    Đọc xong còm của DC xem lại bài viết thấy mình vẫn đúng, thế mới hay chứ.
    Đúng nhất là câu nhận xét của Tô Hoài:
    "không thể cùng lúc mà nghe thấy tiếng nhịp chày An Thái và canh gà Thọ Xương được, vì chúng cách xa nhau."
    Trước đây NCT không định vị được đâu là Yên Thái, đâu là Thọ Xương. Nay NCT sống ở ngay Làng Hồ, cạnh Yên Thái (có đình ở đối diện chợ Bưởi). Mẹ của NCT sống ở Chương Dương - Thọ Xương trước kia, cách nhau 7 km theo đường chim bay, rõ ràng không thể nghe được tiếng chày và tiếng gà gáy cùng lúc, dù có đứng ở điểm giữa là chùa Trấn Vũ.
    Qua 2 sự việc "Canh gà Thọ Xương" và "Hang Thánh Hóa" (đọc bài Ở nhà chủ nhật), thấy các cụ nhà ta tiếng Nôm kém quá dịch sai lung tung cả, sau lại suy diễn theo kiểu của mình.

    ReplyDelete
  6. iCVA cũng có "ca dao cạo"
    nhờ "cô giáo ..." cắt nghĩa:

    “Gió đưa cành trúc la đà
    Tiếng chuông Đào Ngũ, canh gà Tự Xương (i-Xanh)
    Mịt mùng khói tỏa Triều Dương (i-Tím)
    Dịp chày Viết Thái (i-Xanh) mặt gương Công Thành (i-Đỏ)”

    ReplyDelete
  7. NET kêu bạn cũ la cà
    Tiếng văn "tứ sắc" (1), nhạc nhà tự chê (tự chế)
    Bập bùng hát đuổi vẫn phê (2)
    Lại bình "bướm-chuối" (3), mặt khê rượu nồng (4)

    (1) XĐTV hay "tứ sắc" đều là ham vui cả.
    (2) tại TSSN, tiết mục văn nghệ: người này hát đuổi theo người kia, nhạc chơi đuổi theo người hát, vẫn làm máu chảy rần rần bốc lên đầu mọi người.
    (3) Logo "bướm-chuối" rôm rả vẫn chưa có hồi kết.
    (4) tại TSSN, cơm trưa bàn nào cũng thịnh soạn không thiếu rượu, chỉ thiếu người say rượu.

    ReplyDelete
  8. Đúng hay sai chỉ là chuyện nhỏ. Cái đáng nói là một tầng lớp người có thói quen hùa nhau ném đá, vui trên nỗi đau của người khác và xã hội bạo loạn, báo chi câu khách bằng những tin lá cải. Có lẽ vì đó cũng là 1 cách giải trí của giới trẻ, khi VN thiếu những phương tiện giải trí cho thanh thiếu niên và ngại phản biện về những vấn đề xã hội (ngoài việc tha hồ nói về sex như 1 thứ “ru ngủ”) và các báo câu khách bằng tin lá cải, scandal. Cho nên những vấn đề bé cứ thích xé to, còn chuyện quốc gia đại sự, tham nhũng, biển Đông, nhóm lợi ích… thì chẳng mấy người quan tâm.
    Đến nay, cô giáo trẻ đã bỏ nghề và về quê, nhưng có lẽ nhiều thầy dùi vân chưa hài lòng, vẫn còn muốn xử lý thế nào nữa, và muốn đổ hết tội của nên giáo dục xuống cấp lên vai một cô giáo trẻ. Dân ta, rãnh ghê !

    ReplyDelete
  9. Cái bạn Anonymous nào thế nhỉ, chẳng thấy đề tên gì cả?
    Xem ra dân chuyên toán sau này giỏi văn hơn toán. Bằng chứng là chẳng thấy có mấy công trình toán đáng kể nếu so với mấy cuốn sách, bao nhiêu bài thơ, cũng 1 đống nhạc chế (xin lỗi trước các bạn Tiệp, Bảng, Hải dớ). 2 bài thơ nhái ở trên của Tim Ng và DC lại thêm 1 bằng chứng nữa

    ReplyDelete
  10. Xem ra đúng là câu chuyện ngày càng phức tạp:
    - Đầu tiên là "canh gà" hay "canh chỉ giờ"
    - Tiếp đến "Thọ Xương là Thọ Xương nào?" bàn đến địa danh ở Hà Nội và Huế.
    - Sau đó lại đến chuyện Dương Khuê và Phạm Quỳnh ai lấy ý tưởng của ai? Câu nào là có trước "Thiên Mụ" hay "Trấn Vũ"?
    - Giờ đây là "la đà" hay "trăng tà"? Gia đình họ Dương lôi gia phả ra...
    - Chuyện "trăng tà" lại dính đến thượng tầng cấu trúc thời phong kiến và cách lý giải nghĩa của 4 câu thơ Dương Khuê không theo hướng tả cảnh!!! :(
    - Chuyện này lại xảy ra đúng dịp TƯ 6 có báo hiệu điều gì không nhỉ???

    Các "thám tử" iCVA hãy nghiên cứu theo các hướng trên và cho ý kiến nhé! Cái nào khó quá thì viết lên mail-đàn.
    SOS!!!

    ReplyDelete
  11. Em thấy câu "Phất phơ cành trúc trăng tà ..."
    Có vẻ đúng chất Dương Khuê hơn là
    Gió đưa cành trúc la đà ...

    Vì Gió đưa ... Có rất nhiều trong ca dao
    Gió đưa cây cải về trời
    Rau dăm ở lại chịu đời đắng cay

    Đấy là suy luận chủ quan còn trong điển cố Tầu cũng có gió đưa : duyên Đằng gió đưa ...
    Nói về Vương Bột và bài thơ Đằng vương Các tự ...

    Mà Phạm Quỳnh là hậu sinh so với Dương Khuê thì sao mà lại "ngược về tương lai" để chôm câu tiếng chuông Thiên Mụ được ?
    Cái nàytrong khoa học viễn tưởng gọi là "Back to the Future" (xem phim của Steven Spielberg) hay cực.
    Anh detective công Thành cẩn thận kẻo bắn nhầm chính mình trong ... Quá khứ ...:-))))

    Dương Khuê là bạn "rượu" của Nguyễn Khuyến,
    Đến khi ông DK mất , ông Yên Đổ than rằng ...

    Bác Dương thôi đã thôi rồi
    Nước mây mây nước ngậm ngùi lòng ta ...

    Và cảm thán :
    Tri âm đâu dễ tìm nhau
    Bạn nghiên bạn bút có đâu được nhiều...

    Hay
    Đời vắng Khuê rồi ... Say với ai .... :-)))

    Đặc biệt cả Dương Khuê và Thượng thư Phạm Quỳnh đều có hậu duệ là nhạc sỹ lừng danh là Dương Thiệu Tước và ... Phạm Tuyên.

    ReplyDelete
  12. Anh Tự Đào Ngũ Sắc ơi ngày xưa em học văn kém lăm, trong cả cuộc đời học văn chưa bao giờ có điểm 7 toàn lẹt đẹt 5,4...
    Chỉ vì cái tội ... Lãng đãng không thích ..."văn mẫu"
    Sợ nhất là mục học thuộc lòng Con cá chột nưa ...

    Ấy thế mà hồi lớp 8 mò vào thư viện đọc hết quyển "phê bình văn học" của Hà Minh Đức để ... Gạn đục khơi trong ... Đúng kiểu
    "Nghe nó chửi ta mà thấy cả tương lai..."
    Vì Hà Minh Đức và Như Phong (cũ không phải Như Phong công an) bây giờ toàn lôi Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, lưu trọng lư, đinh hùng ra chửi là tiểu tư sản này nọ thì lại phải ... Trích dẫn thế là mình lọc hết các câu chửi của Hà Minh Đức đi thì thấy toàn ... Thơ hay ,..., he he he
    Thế nên điểm văn 4 là phải rồi ... :-)))))

    ReplyDelete
  13. Hồi phổ thông văn anh toàn 5,6, rất hiếm khi được 7. Trong "10I Lớp tôi" anh đã kể chuyện hồi lớp 9, cô Trâm dạy văn và anh suýt bị điểm 4 như sau:
    "Ngoài Thầy Khải ra có lẽ cô Bội Trâm (vợ nhà văn Phùng Quán) dạy văn hồi lớp 9 là có nhiều gắn bó với lớp hơn cả. Cô Trâm dạy văn rất hay, chúng tôi mê tít. Kỷ niệm không quên của tôi là một lần trả bài tập làm văn, trong khi phân tích bài làm của học sinh, cô dừng ở một người và nêu ra những điểm không hay trong bài văn của bạn này. Tôi thầm nghĩ, quái tay nào mà làm dở thế. Đến khi nhận bài trả, thấy cô phê mới nhận ra ban nãy cô nói về mình. Khi nhìn vào ô điểm, con số 4 bị gạch chéo và thay vào con số 5 bên cạnh, tôi hiểu ra rằng cô đã vớt điểm cho tôi. Phải chăng vì tôi làm lớp trưởng? Nếu đúng thì ngay cái chức lớp trưởng phổ thông quèn cũng đã có chút ít bổng lộc, chả trách người đời tranh nhau (thậm chí đạp nhau) làm quan chức."
    Thế mà không hiểu gần đây anh cũng hay "thả hồn trên bàn phím", viết lách lung tung. Cũng chẳng biết có hay ho gì không, nhưng ít nhất là đáp ứng nhu cầu cá nhân là viết lung tung. Nhiều bạn học ngạc nhiên lắm, chúng lạ gì cái năng lực viết văn hồi xưa của anh.
    Lớp 7D của anh vẫn chơi với nhau đến bây giờ (thậm chí còn in được 03 cuốn sách cũng khá hay). Hồi đó lớp anh là cả chuyên toán lẫn chuyên văn của huyện Từ Liêm, năm học 1969-1970. Sau này (tức gần đây) viết văn so đo nhau, dân toán viết đều tay hơn, nhiều hơn. Còn độ hay thì ngang ngửa nhau. Còn nếu đọ toán bây giờ thì dân chuyên văn đầu hàng ngay lập tức. Với chúng dấu tích phân hẳn là một ký hiệu lạ hoắc, trông như cái đòn gánh của nông dân VN.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trong quan điểm của DC, thì thầy/cô giáo giỏi (tài) là đánh thức và khích lệ được niềm đam mê của học sinh đối với môn học mà thầy/cô dạy mình. Cho nên một nhà giáo giỏi theo nghĩa này, không kể ở bất cứ cấp học nào (tiểu học, trung học, đại học hay cao hơn) cũng luôn được học trò quý và nhớ mãi. Và DC đã ca ngợi Thầy Khải của chúng ta băng câu:
      ... Lòng trò nhớ mãi chẳng vinh nào bằng
      DC đã ọc cuốn "Ba phút sự thật" của nhà văn Phùng Quán, chồng co Bảo Trâm, và chỉ qua trang sách thôi cũng đã ngưỡng mộ cô giáo Bảo Trâm. Các anh chị lớp Xanh sướng thật, được học cả Toán cả Văn với những nhà giáo kỳ tài của VN mình. Bọn em lớp Tím chỉ được học văn thầy Thịnh (lớp 8), lên lớp 9, 10 thì quên rồi. DC không ấn tượng và không nhớ mấy về thầy Thịnh, chỉ nhớ có lần vặn vẹo "Trường Ca Đam San" sao lại thuộc dòng văn học cổ được nhỉ, ví trong đó miêu tả phải luyện kim loại ra vũ khí mới giết được dũng sỹ Đam San, mà đã có nền sản xuất với kim loại như thế thì đâu gọi là thời cổ đại được. Đại loại là thời đi học hình như DC được điểm 6 văn là cao nhất thì phải, mà chắc số điểm 6 chỉ lác đác đếm không hết đầu ngón tay.

      Delete
  14. BÀI THƠ DƯƠNG KHUÊ KHÔNG PHẢI TẢ CẢNH TÂY HỒ

    Trong bài thơ gốc của Dương Khuê nổi lên 2 vô lý:
    - Trấn Vũ và Thọ Xương (ở cùng một câu) lại cách nhau khá xa và ở giữa 2 địa danh này không phải là Hồ Tây.
    - Câu 3 "Mịt mù khói tỏa ngàn sương" mâu thuẫn với câu 4 "..., mặt gương Tây Hồ". Đã phủ kín sương làm sao nhìn thấy mặt gương Tây Hồ? Như vậy hai câu này về mặt thời gian là khác nhau. Từ đấy cũng suy ra Dương Khuê chỉ mượn chuyện Hồ Tây để nói chuyện khác.

    Ró ràng Dương Khuê đăng bài thơ này trước khi Phạm Quỳnh đăng năm 1918:
    Gió đưa cành trúc la đà,
    Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương...
    Vậy rất có lý khi nói Phạm Quỳnh mang thơ từ Hà Nội vào Huế như tôi viết trong bài. Thế nhưng nó chỉ có lý khi thơ Dương Khuê là thơ tả cảnh, còn nếu không phải thơ tả cảnh thì phải xem lại!
    Cái xem lại đó như sau:
    Câu ca dao "Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương" là câu ca dao "xịn" có trước ở Huế, tả cảnh dòng sông Hương với 2 địa danh Thiên Mụ và Thọ Xương nằm 2 bên. Trong trường hợp này "canh gà" đúng là chỉ giờ gà gáy chứ không thể nhầm lẫn sang "canh thịt gà" được.
    Suy ra Dương Khuê "mượn" câu ca dao này của Huế và mang ra Hà Nội, thay Thiên Mụ bằng Trấn Vũ còn Thọ Xương giữ nguyên vì cả hai nơi đều có đia danh này. Điều cần nói là địa danh Thọ Xương ở Huế có trước và sau đó bị mất tên, địa danh Thọ Xương ở Hà Nội có sau nhưng lại giữ được tên tới bây giờ nên cũng vì thế mọi người tưởng rằng câu ca dao ở Hà Nội có trước Huế. Phạm Quỳnh chỉ đơn giản chép lại câu ca dao Huế thôi chứ không phải "chôm" thơ Dương Khuê.
    Dương Khuê đỗ tiến sĩ năm Mậu Thìn (1868) và làm quan dưới thời Vua Tự Đức, ở Huế. Thời gian này Dương Khuê phản đối Vua ngả về ngoại bang Pháp nên bị Vua phê: "Bất thức thời vụ" (không biết gì về thời cuộc) và bị giáng chức 2 lần, đuổi về quê. Dương Khuê bất mãn mới mượn ca dao Huế để gửi gắm tâm thư mình vào đó.

    (còn tiếp)

    ReplyDelete
  15. Ý nghĩa ẩn hàm (implied) của bài thơ.

    Phất phơ ngọn trúc trăng tà. Ngọn trúc chỉ người quân tử; mặt trăng chỉ nhà vua; tà có nghĩa là xuống thấp, đang suy thoái. Câu này ám chỉ người quân tử (cụ Dương Khuê) đang đứng trước tình trạng nhiễu nhương, uy tín của triều đình Tự Đức đang suy thoái.

    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. Cụ Dương Khuê ước chi có được “tiếng chuông” và “tiếng gà gáy” lúc ban mai để đánh thức vua, quan, và dân chúng đang “ngủ vùi” trong tình trạng bi đát của đất nước. Có thể là cụ Dương Khuê muốn gián tiếp làm thức tỉnh vua quan tại triều đình Huế cho nên Cụ đã cố ý dùng câu thứ hai của câu hò xứ Huế (Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương) nhưng thay bằng địa danh của Hà Nội: Trấn Vũ thay cho Thiên Mụ. Tiếng chuông Trấn Vũ để đánh động người dân Bắc Kỳ đứng lên chống Pháp. Hà Nội và Huế đều có địa danh Thọ Xương cho nên Cụ dùng bốn chữ “canh gà Thọ Xương” để nói lên lòng ao ước của mình, ước gì tiếng gà gáy sáng ở vùng Thọ Xương (Huế) sẽ đánh động vua quan tại triều đình Huế về tình hình nước nhà đang gặp nguy biến.

    Mịt mù khói tỏa ngàn sương. Ám chỉ tình hình nguy biến của đất nước.

    Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ. Câu này nói lên lòng mong ước của cụ Dương Khuê; mong rằng cả nước từ vua đến quan, đến dân đều một lòng trong công cuộc chống Pháp để người dân có được một cuộc sống an bình (nhịp chày An Thái; an = an lành; thái = thịnh vượng) và phẳng lặng như mặt nước Hồ Tây.
    Đây là ý của BS. Trần Tiễn Sum viết ngày 11/2/2010 mà tôi đọc được qua web: http://khungcuanho.blogspot.com/2012/10/chua-thien-mu-hay-chua-tran-vu.html#more

    Nhưng bài thơ Dương Khuê có lẽ không chỉ dừng ở đó. Nếu lấy điểm gữa Trấn Vũ Quán và Thọ Xương ngõ, ta thấy không phải là Hồ Tây mà là khu Phan Đình Phùng - Hoàng Diệu. Và chữ "trăng tà" ở câu trên đang chiếu vào khu "Trung Nam Hải của Việt Nam" này. Tiếp theo câu "Mịt mù khói tỏa ngàn sương" thể hiện cuộc giao tranh dữ dội trên thượng tầng. Rất may là câu kết lại tươi sáng "Dịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ": trời yên, hồ lặng, dân an, thái bình. Chúng ta đều mong và hiểu như vậy! (Điều đó cũng giải thích cho điểm gạch đầu dòng cuối cùng tôi viết trong comment trước.)
    Lời sấm Dương Khuê có lẽ khó hiểu, nên Dương Khuê mới phải bày ra món "canh gà Thọ Xương" để tới khi phát tác ra sự kiện này thì lời sấm mới ứng nghiệm!

    Chúng ta hãy xem "con tạo xoay vần" ra sao.

    ReplyDelete
  16. Thám tử Công - Thành không thấy trong còm men của TN có một câu rất "xạo" ...
    Đố Thám tử Công tìm được nhé !
    :-))))

    ReplyDelete
  17. Hay quá hay quá anh CT viết thành bài mới luôn đi ạ, bỏ trong còm nó hơi ... Bất xứng, chủ đề này vẫn tiếp diễn cả ơ trên báo chí ...:-)))
    Anh Quang Ngọc cũng tâm hồn bay bổng lắm,
    Đúng là
    "Văn như Chuyên toán vô tiền Hán
    Thi đáo Thành Ann thất Thịnh Đường"

    Dịch nôm là văn hay như anh Ngọc anh Hải Dớ ...
    Dân chuyên văn thua xa
    Thơ như anh Công Thành và nữ sỹ Ann thì Thầy Thịnh dạy văn ... Chỉ có nước ra Đường ... He he
    Phải không Thám tử Công ????

    ReplyDelete
  18. Bái phụ CT về món "Canh gà Thọ Xương".
    Nay phong cho tước "Canh gà học sỹ", ban cho 1ha vườn trúc, 50 cái chuông đồng, 1 tấn giấy bản và 2ha mặt hồ Tây, cùng vô số cung tần mỹ nữ của lộ iCVA.
    Thừa lệnh Thượng Hoàng KhảiĐT Tiên sinh
    Ngọc tôi (đã ký)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hề hề hề,
      Công Thành phen này tha hồ Oai nhé, được địch thân Đại bang chủ ban thưởng.
      Cái món "Canh gà học sỹ" này có nhẽ còn bằng mấy cái "....sỹ" mà Công Thành đã phải vất vả ấy chứ. Này nhé mấy cái kia chỉ có nhõn mảnh bằng để trưng, đằng này "Canh gà học sỹ" còn kèm theo "vô số mỹ nữ của lộ icva".
      Xem ra hưởng cho hết cái "lộc" của bang chủ cũng cần phải có võ chứ chả chơi.
      Chúc Công Thành luôn mạnh hơn hổ, lẹ hơn Rắn để phụng sự Bang chúng được nhiều hơn.
      Hề hề hề,
      Kính chúc.

      Delete
  19. Hề hề hề,
    Về chuyện "Canh gà Thọ Xương" này thì có nhẽ còn nhiều chuyện để bình. Song có mấy điều mà tôi rút ra được như sau:
    1/- Trong cái thời đại CNTT này, mọi thông tin có được đều cần thẩm định kỹ càng trước khi đưa ra công chúng. Thông tin đúng cũng nhiều mà thông tin sai lại còn nhiều hơn. Nếu muốn sử dụng các thông tin này thì việc thẩm định càng phải kỹ lưỡng và có khoa học.
    2/- Cái lợi của "Google thần chưởng" là khá rõ, tuy nhiên cái hại cũng sẽ không nhỏ nếu chỉ tin vào cái công phu này mà không có các công phu khác đi kèm.
    3/- Không nên lạm dụng công phu "Google thần chưởng" kẻo dễ "tẩu hỏa nhập ma" lắm.
    Hề hề hề,

    ReplyDelete
  20. Anh CT kỳ này quán quân danh hiệu rồi:
    "Canh Gà Học Sỹ"...
    Mà Học Sỹ thì cần gì "vô số mỹ nữ XDTV" ???
    Ái dà chắc Bang trưởng chuẩn y cái chức
    "Hàn Lâm Hoa Hậu Học Sỹ" của anh Thành ...
    Kỳ này sẽ có "công trình" nghiên cứu vẻ đẹp và tài năng tiềm ẩm chưa ... Phát lộ của các mỹ nữ lộ ICVA.

    Còn "chức danh" Thám tử Công (Public Detective) thì anh CT cũng mới được Interpol cấp ... Hôm qua
    :-))))))))

    ReplyDelete