Sunday, October 11, 2015

Chiếc Áo Rách và chiếc kính sứt





















Chiếc kính sứt
Tôi có một chiếc kính cắt cước rất đẹp mà mình rất thích. Một hôm, sơ ý làm sứt tí tẹo gần bằng con kiến. Tiếc ngẩn ngơ, tôi ngắm nhìn mãi (ngắm nhìn vì không chỉ vì tiếc, mà còn vì vết sứt nhỏ quá rất khó nhận ra) và dằn vặt mãi vì không chịu nổi vết sứt này. Nhưng khi tôi định mua chiếc kính khác để thay thế thì chính người bán hàng đã khuyên tôi: " Không cần!"
Rõ ràng là người ta đang cần bán hàng, mà còn khuyên mình như thế thì chắc chắn phải là lời khuyên chân thành. Bởi vậy nghe lời người bán hàng và cũng tiếc tiền, tôi tiếp tục dùng chiếc kính sứt này. Nhưng sau đó lại sơ ý làm sứt thêm một vết bằng con kiến. Lần này tôi cũng tiếc, nhưng tiếc vừa thôi, chỉ ngắm nhìn qua 1 tẹo rồi tặc lưỡi cho qua, chứ không dằn vặt nữa. Dằn vặt làm gì cho mệt, đằng nào cũng sứt rồi cơ mà?
Hôm kia, 09-10-2015 tôi đánh rơi chiếc kính lần thứ 3, lần này rơi mạnh hơn nên vết sứt bằng hạt thóc. Tôi chả thấy tiếc gì, vì cái kính cũ thì có gì mà tiếc nhỉ?
Hôm nay đọc sách "góp nhặt"  tôi đã hiểu ra vấn đề, thì ra diễn biến tâm lý của mình đã được người xưa ghi thành sách.
Thật vậy! Từ nhỏ cha tôi, ông ngoại tôi và Đức Hồng Y Giuse Phaolo Phạm Đình Tụng thường dạy tôi rằng, nếu phạm lỗi mà biết nhận ra lỗi lầm và sửa đổi thì vẫn là con ngoan, trò giỏi. Nhưng nếu không nhận ra lỗi lầm mà sửa, thì từ những lỗi nhỏ chỉ bằng con kiến dần dần sẽ mắc lỗi to bằng con voi. Hoặc nhận ra lỗi lầm mà không sửa đổi cũng vậy!
Họ thường kể cho tôi nghe câu chuyện ngụ ngôn để Chiếc Áo Rách để răn dạy. Họ bảo rằng chuyện ngụ ngôn dễ nhớ hơn, bởi vì nó hấp dẫn, vừa là câu chuyện, vừa là bài học.
Chính vì vậy mà ĐHY Tụng đã tự ta đánh máy và đóng thành sách một bộ sách góp nhặt những câu chuyện ngụ ngôn để răn dạy chúng tôi. Khi chia tay để về cõi vĩnh hằng, ĐHY đã cho tôi thừa kế bộ sách này. Ông cụ dặn:
- Mỗi ngày con trai đọc một chuyện và nghiền ngẫm, hãy nhớ rằng chuyện cũ nhưng ý nghĩa giáo dục của nó không bao giờ cũ!
Quả thực ý nghĩa của câu chuyện "Chiếc Áo Rách" trong bộ sách này chí ít là không cũ đối với tôi cho tới ngày hôm nay!




Chiếc áo rách 









Một linh sư Ấn giáo khổ hạnh  nọ rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy rằng người đệ tử không cần đến sự dìu dắt của ông nữa, cho nên ông mới bỏ mặc anh trong túp lều tranh rách nát bên cạnh một bờ sông. Hàng ngày người đệ tử đi khất thực, trở về xuống dòng sông thanh tẩy theo đúng nghi thức,... rồi trước khi đi ngủ giặt chiếc áo rách rưới của mình đem phơi để sáng hôm sau có áo mặc. Vì đây là tài sản duy nhất của anh ta.
Ngày nọ, anh đau đớn vô cùng khi nhận ra chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn tả tơi. Không còn cách nào nữa, người đệ tử đành phải vào làng gõ cửa để xin một chiếc áo khác. Cái áo lần nữa cũng bị chuột gặm nát. Anh mới xin được một con mèo. Lần này anh khỏi phải lo lắng về mấy con chuột nữa. Nhưng không xin áo mặc, thì người đệ tử cũng phải xin cơm, bánh và còn phải xin sữa cho chú mèo nữa.
Ngày ngày phải vác bị đi khất thực, không chỉ cho mình mà còn cho cả chú mèo nữa người đệ tử cảm thấy mình như một thứ gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, cho nên anh mới tìm cách xin cho bằng được một con bò để khỏi phải xin sữa. Nhưng có bò thì cũng phải có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh còn tự mình cắt cỏ cho bò ăn, nhưng rồi con bò mẹ lại đẻ ra những con bò con. Về lâu về dài, nhận thấy không còn thì giờ cho sự cầu nguyện nữa, cho nên anh đành phải thuê người cắt cỏ cho bò. Bò càng ngày càng sinh sản ra nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Không mấy chốc, mảnh đất xung quanh túp lều của anh đã biến thành một nông trại. Con người đã một thời muốn bỏ đi tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ nay nghiễm nhiên trở thành một chủ nông trại giàu có. Có tiền, có mọi sự, cho nên anh cũng muốn có người chia sẻ công việc của anh. Anh đành phải cưới vợ. Và không mấy chốc, anh đã trở thành một trong những chủ nông trại giàu có nhất trong làng.
một thời gian sau, khi có dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư đã một thời dẫn dắt anh, ngạc nhiên vô cùng vì thay cho túp lều nghèo nàn bên bờ sông, nay là cả một cơ nghiệp đồ sộ. Dò hỏi được tung tích của người chủ nông trại, vị linh sư mới lên tiếng hỏi người đệ tử của mình: "Thế này nghĩa là gì hả con?". Người đệ tử mới trả lời: "Có lẽ thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp này hiện hữu là cũng chỉ vì con đã không làm cách nào để giữ được chiếc áo rách".


Giờ đây bằng khoa học thực nghiệm các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng:
"Hành vi ăn cắp thường bắt nguồn từ khi trẻ còn nhỏ, nếu được giáo dục, trị liệu đúng đắn trẻ có thể thay đổi. Nhưng nếu không có sự can thiệp, hành vi này sẽ tiếp tục và trở thành một thói quen, khi đó rất khó để trị liệu. Thế rồi lớn lên rất dễ trở thành kẻ ăn cắp chuyên nghiệp. "
Như vậy, thực ra các nhà khoa học chỉ chứng minh điều mà người xưa đã biết, chứ đây không phải là phát hiện mới mẻ gì! Tôi nghiền ngẫm những chuyện này và thật buồn về vụ:

Hà Tĩnh: 200 giáo viên kêu cứu & tiết lộ mức "chạy việc" khủng

http://www.giadinhvietnam.com/ha-tinh-200-giao-vien-keu-cuu-tiet-lo-muc-chay-viec-khung-d69971.html

https://www.facebook.com/diemhang.phanvu/posts/540295226135151

 

Không hiểu các giáo viên có biết rằng chính họ đã phạm tội, chính họ nuôi dưỡng những kẻ tham nhũng, đòi hối lộ...kia. Họ có biết rằng ngày hôm nay bỏ tiền hối lộ, rất có thể ngày mai chính họ cũng sẽ nhận hối lộ, rồi đến khi nhận hối lộ quen đi thì khả năng đòi hối lộ... và phạm tội nặng hơn nữa của họ là rất cao! Những giáo viên này sẽ dạy con cháu chúng ta ra sao?
Có người nói: "Cũng vì miếng cơm manh áo cả thôi". Trời ơi! Đúng thật là:
Vì chén cơm manh áo, người ta có thể đánh mất lý tưởng của mình. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chà đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chối bỏ niềm tin của mình. Ðó là mối hiểm nguy mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.

Người ta có biết rằng vì miếng cơm manh áo mà phạm tội, rồi quen đi thì dù có giàu nứt đố, đổ vách cũng khó mà dừng lại, vì đã quen rồi. Cũng như tôi khi đã quen với chiếc kính sứt, thì từ vết sứt nhỏ hơn con kiến, đến bằng con kiến, rồi đến bằng hạt thóc cũng chẳng hề chi. Tôi xin cam đoan nếu ngày mai lại có vết sứt bằng hạt lạc, thì tôi cũng chẳng phiền lòng. Thậm chí có đánh mất tôi cũng chẳng tiếc, mà có khi lại còn thấy vui vì có cơ hội để mua kính mới!

No comments:

Post a Comment