Chuyện khó tin, nhưng người kể đáng tin,
(ghi lại cũng đã lâu, nay đưa lên để các bạn đọc chơi)
NẤM MỒ
Vũ Thư Hiên
Câu chuyện tôi kể ở đây không dài, lại không có những diễn biến đan
xen, bất ngờ, khả dĩ dắt dẫn người đọc tới những suy đoán mung lung,
đặng tạo ra sự lôi cuốn. Vì lẽ đó nó sẽ không thú vị, hoặc kém thú vị,
tính theo chuẩn văn chương quen thuộc. Xin rào trước một câu như thế để
người viết khỏi bị những phiền trách về sau.
Câu chuyện rất đáng
được chia sẻ, theo tôi nghĩ. Điều làm tôi có chút băn khoăn là nên chọn
cho nó hình thức nào đây để nó không trở thành nhàm chán. Sắp xếp lại
các tình tiết cho có hình hài một truyện ngắn, tôi không muốn. Nó là câu
chuyện để kể, không cần các thủ pháp tả tình tả cảnh. Nói tóm lại, tôi
thấy sự can thiệp của thói quen viết văn chỉ làm câu chuyện mất đi cái
mộc mạc của nó. Mà đấy lại là cái tôi muốn giữ.
Nhân vật thứ nhất
tên Tâm, bạn thân của em gái tôi. Hai đứa trẻ cùng phố không rời nhau
nửa bước suốt tuổi ấu thơ. Em gái tôi không có mặt trong câu chuyện này,
nó đi lao động xuất khẩu ngay chuyến đầu tiên rồi ở lì bên Đức với tấm
chồng kiếm được. Nhắc đến nó là để lý giải sự tình cờ nào đã dẫn tới câu
chuyện mà thôi. Số là một hôm, em tôi nhờ người mang quà cho tôi, kèm
theo lời nhắn tôi chuyển cho Tâm thứ gì đó trong gói quà, là thứ không
có bán ở Việt Nam, theo lời Tâm dặn. Vì thế mà tôi gặp Tâm.
Tâm
từng nổi tiếng xinh đẹp không phải chỉ trong phố tôi. Nghe nói khi cô ấy
đi lao động ở công viên Bảy Mẫu, đám thanh niên đã vứt tuốt tuột cuốc
xẻng rùng rùng chạy theo để được ngắm cô gái gánh đất. Giờ đây, trước
mặt tôi là một thiếu phụ đẫy đà, đã có vài vết chân chim nơi đuôi mắt.
Chồng trước chết trong chiến tranh, cô tái giá, có hai con, một trai,
một gái. Cùng với người chồng mới đã xin thôi việc nhà nước, cô mở một
công ty buôn bán đồ gia dụng, nghe nói khá phát đạt.
Nhân vật thứ
hai là một cựu binh thọt chân, tên Mịch, làm nghề sửa xe đạp. Cũng là
người cùng phố với Tâm, anh sống trong một con hẻm, nghe nói túng bấn.
Chị vợ đạp máy khâu cho một cửa hàng may mặc. Anh này đâu bị nhiễm chất
độc da cam khi đi Nam, hai vợ chồng lấy nhau nhiều năm rồi mà chẳng được
mụn con nào, thiên hạ đồn thế. Dù mất một chân trong chiến đấu, nhưng
vì lẽ gì đó, anh không được công nhận thương binh.
Còn một nhân vật nữa, chồng sau của Tâm, tuy không đóng vai trò đáng kể nhưng cũng không thể vắng mặt trong câu chuyện.
Khi các nhân vật, từng người một, kể cho tôi nghe chuyện này, họ đều
xưng ở ngôi thứ nhất. Tôi thấy cứ ghi lại đúng như cách họ kể là tốt
nhất, chỉ lược đi những chỗ rườm rà, tức là có bớt chứ không thêm.
Chúng tôi ngồi bên một cột đèn, nơi Mịch thường hành nghề. Anh không có
chỗ cố định để đặt cửa hàng. Khi có công an hay trật tự đường phố đi tới
thì anh vừa bê hòm đồ chạy cà nhắc, vừa ngoảnh lại nhìn họ với nụ cười
cầu tài. Họ thương tình anh chàng thọt, chỉ đuổi lấy lệ.
Ngồi trên hòm đồ, anh chăm chú lên lại cái vành cong chiếc xe đạp của tôi đi mượn vừa bị đụng, rồi nhẩn nha chuyện vãn:
- Ông đi tù lâu thế, những chín năm, kinh! Phố ta cũng ối người đi tù, ở
trong ấy ông có gặp người nào không? Trong những năm ông vắng mặt có
biết bao nhiêu là chuyện xảy ra ở phố này. À, mà ai nói cho ông biết
chuyện đi tìm mộ chồng cô Tâm?
- Chính cô ấy kể. Tôi muốn biết thêm, mới hỏi anh.
Mịch ngẩng lên nhìn tôi:
- Nói thật với ông, tôi ngại, tôi không muốn đụng đến chuyện ấy. Tôi
biết quá mộ thằng Tường ở đâu, chứ sao không biết. Tôi biết, nhưng tôi
không muốn nói. Từ nhiều năm rồi, tôi im như thóc… Tại sao ư? Có lý do,
ông ạ. Kể ra thì dài dòng văn tự, nhưng mọi việc cũng đã qua, ông muốn
nghe thì rồi tôi kể ông nghe.
Câu chuyện đi tìm mộ người chồng trước tôi được nghe Tâm kể trong ngày giỗ cậu ấy, tôi được mời:
- Nhà em mất thế nào, em đâu có biết. Chỉ nhận được mỗi cái giấy báo
tử, anh ạ. Cứ như thể đời con người chỉ là một mảnh giấy bằng hai bàn
tay. Chúng em ở với nhau được hai tháng thì nhà em bị gọi đi nghĩa vụ,
mặc bộ quần áo bộ đội vào người là phải đi B ngay. Từ đó bặt tin. Không
thư từ, không nhắn nhe gì sất. Ở chiến trường tất nhiên không có bưu
điện, nhưng còn quân bưu, sao lại không có thư? Nhà em không viết, hay
viết mà không tới tay em, có mà giời biết. Chắc có viết, nhưng mất, chứ
anh ấy không thể không viết. Giấy báo tử chỉ vắn tắt: đã hy sinh. Không
rõ khi nào, ở nơi nào. Bỏ trống hết. Đoạn tang được một năm, em xây dựng
gia đình với nhà em bây giờ.
- Cũng phải thôi. Ở goá mãi sao được – tôi nói để mà nói – Cô còn trẻ.
- Nhà em hồi ấy làm công tác thương nghiệp, ngành thực phẩm. Cũng lắm
lời ong tiếng ve đấy, anh ạ. Rằng em khôn, là chuột sa chĩnh gạo. Thời
tem phiếu cái gì cũng thiếu. Thiên hạ mắt tròn mắt dẹt xăm xoi các cửa
hàng. Có chồng làm thương nghiệp là tìm nước chỗ trũng. Nhưng không phải
như vậy, anh nhà em là người có trước có sau, ăn ở như bát nước đầy, có
thế em mới chọn. Đấy, ban thờ nhà em là anh ấy đặt làm đấy.
Trên
ban thờ sơn son thếp vàng, hơi quê một chút bởi sự hoa hoe hoa xói, là
ảnh người chồng cũ – một chàng trai mũi hếch vừa chui ra từ cái vỏ trẻ
con, đội mũ cối, áo bộ đội không quân hàm. Tôi nhận ra cậu ta. Đám cưới
tưng bừng lắm. Theo tôi nhớ thì hồi ấy cậu ta làm thợ tiện, hình như mới
học việc thì phải. Cô vợ học dở dang Tổng hợp Văn, giờ múa hai que
trong tổ đan len. Hồi ấy người ta bàn ra tán vào về cuộc hôn nhân của
hai người nhiều – nào nhà cô Tâm khá giả, nhà chồng thì kiết xác, nào cô
Tâm xinh đẹp là thế, mà anh chồng thì xấu mã, trông quê một cục. Cô Tâm
được nhiều con ông to săn đón lắm, làm dâu những nhà ấy sướng một đời,
không hiểu nghĩ sao lại chỉ ưng mỗi anh này.
Tôi thắp hương cho người quá cố. Cô Tâm đứng bên, lầm rầm khấn.
- Anh nhà em bây giờ rất tốt tính. Như người khác thì muốn vợ quên hết
quá khứ với người cũ, nhưng anh ấy không, rất tôn trọng nhà em. Chính
anh ấy lo lắng việc đi tìm mộ nhà em đấy. Nhà em bảo: vợ chồng mình sống
với nhau được như bây giờ là nhờ anh ấy phù hộ, mình không được phép
quên. Anh ấy mất, mồ mả không biết ở đâu, mình phải tìm cho bằng ra để
đưa anh ấy về, em ạ.
- Làm thế là phải. Mới là người biết ăn ở.
-
Cái vụ tìm mộ liệt sĩ chắc anh có nghe, nhiêu khê lắm. Nhiều người
khuyên bọn em tìm các nhà ngoại cảm. Chúng em nhờ mấy nơi rồi đấy ạ.
Người nào người nấy nói vanh vách, cứ như thể các vị ấy nhìn thấy mộ nhà
em ở chỗ nào, quanh mộ có những dấu hiệu gì, đi như thế nào thì đến...
Nghe theo chỉ dẫn, đường xa mấy bọn em cũng đi, lúc tàu, lúc xe, lúc
trèo đèo, lúc lội suối, thôi thì đủ. Rồi lần nào cũng như lần nào, đào
đào bới bới, rốt cuộc chẳng thấy gì sất. Cũng có lần gặp cốt, nhưng cốt
này của người cao lớn hơn nhà em nhiều, nhìn sọ thì biết, không phải.
Đành lấp lại, để nguyên, phòng khi có người khác tìm. Chiến tranh thì
liên miên, chỗ nào ở trong Nam chả có cốt vô thừa nhận… Sau, bọn em bỏ,
không nhờ ngoại cảm nữa. Em nản rồi, nhưng nhà em thì không, đã quyết là
phải làm đến nơi.
- Gần đây người ta nói nhiều về chuyện ngoại
cảm… Người bảo có thật, người bảo không. Báo chí viết trong vụ này có
nhiều bịp bợm.
- Cũng chẳng biết thế nào mà nói, anh ạ. Có người kể
nhờ ngoại cảm mà tìm được mộ người thân đấy, mà là người đứng đắn hẳn
hoi nói. Em nghĩ họ không bịa. Có điều, thiên hạ bảo khi nhà ngoại cảm
đã đụng vào chuyện tiền nong, có ý kiếm chác thì không còn thiêng nữa,
coi như hết điện.
- Thế rồi cô có tìm được cậu ấy không? – tôi hỏi.
- Được, anh ạ. Là do tình cờ thôi. Nhưng nhà em bảo: không phải, anh ấy dun dủi đấy.
- Dun dủi thế nào?
- Lần theo dấu vết những đơn vị của nhà em trong chiến trường rắc rối
ơi là rắc rối – cơ quan này chỉ sang cơ quan kia, tìm được đơn vị này
lại tòi ra đơn vị khác… Không phải người ta đùn đẩy đâu, sự thật là thế,
chiến tranh hết, đơn vị này mất hẳn, đơn vị kia mà nó nhập vào lại đổi
phiên hiệu, cứ tít mù, anh ạ. Ấy là chưa kể người mới làm không biết,
không nắm những việc cũ, họ chẳng dính líu, không tình cảm với cái đã
qua, làm việc theo kiểu công chức, hết giờ ở sở thì về nhà. Phải khen
anh nhà em bây giờ, anh ấy không nản. Rốt cuộc rồi cũng truy ra được một
anh cùng đơn vị sau chót của nhà em. Anh này nói có gặp nhà em một lần
sau cùng khi anh ấy bị thương, nhà em đến thăm, từ đó mất dấu. Anh
thương binh này mù, cụt hai chân, ở mãi Hà Tĩnh, may, trí nhớ còn tốt.
Anh ấy nói anh ấy nhớ như in cái lần ấy, khi anh ấy còn chưa bị mù, bị
mù là trận sau kia. Cùng đi với nhà em có một anh, nói là người cùng
phố, nhưng tên thì anh ấy nói nhớ mang máng, là Tích hay Tịnh gì đó…
Hai “nhà em” và các “anh ấy” trong lời kể của Tâm lúc đầu có làm tôi lẫn lộn, nhưng chú ý một chút là biết cô đang nói về ai.
- Rồi cô tìm được anh này?
- Nhà em chứ không phải em. Ở phố không có người nào đi bộ đội tên
Minh. Nhưng có một anh tên Mịch, thương binh, cũng từng đi B…
- Đúng là người cần tìm?
- Đúng, anh ạ. Thế mới may chứ.
- Chú ấy kiên trì thật.
- Nhưng lúc đầu anh Mịch này một mực chối, bảo anh ấy không biết…
Tôi tò mò, mới đem câu chuyện Tâm kể hỏi Mịch.
- Khi hai vợ chồng cô ấy bước vào nhà hỏi tôi có phải tên Mịch, từng ở
chiến trường B phải không, là tôi giật thót mình - Mịch kể - Tôi không
có ý chờ, nhưng bụng bảo dạ rồi đây thể nào rồi cũng có lúc sẽ có người
tìm tôi hỏi về cái chết của Tường.
- Trước đó anh không biết cô Tâm là vợ Tường? – tôi thắc mắc – Người cùng phố mà.
Mịch im lặng.
- Tức là anh biết?
- Biết chứ.
- Anh có ý định tìm cô ấy để nói về cái chết của chồng cô ấy không?
- Không.
- Tại sao?
- Tôi đã nói với ông rồi, tôi có lý do để không muốn nói – Mịch trầm
ngâm - Nhưng thôi, chuyện đó để sau, rồi thể nào tôi cũng kể ông nghe
mà. Cậu này với tôi ở cùng một đơn vị khi rời thành phố. Chúng tôi được
chuyển đi trong đêm, trên một xe tải. Thân nhau cũng từ trên cái xe tải
ấy. Nó đưa chúng tôi đi như chui vào một cái tương lai đen kịt như đêm
đó. Tường kém tôi ba tuổi. Ở cái độ tuổi ấy chênh nhau như thế là nhiều,
ông ạ. Rành rành một đằng anh, một đằng em. Như là lẽ đương nhiên, tôi
tự coi mình có trách nhiệm săn sóc thằng em người “bang Muỗi Đốt”.
- Bang Muỗi Đốt?
- Tức là Ô Đống Mác, gọi theo cách của dân bụi. Lính tráng cũng gọi theo.
- Anh ta không nói gì đến vợ?
- Có đấy, cậu ấy có nói qua, đâu mới lấy vợ được một hai tháng, người
phố này, nghe rồi, tôi quên. Trong đời lính, cái đó là chuyện vặt,
chuyện thường tình. Thằng nào chẳng có chuyện ấy. Không có người yêu thì
có vợ, không có cả hai thứ thì có mẹ có cha. Cũng có thể cậu ta ngượng,
không muốn kể – cái tâm lý ấy ở thằng lính mới tò te là sự thường.
Không kể những thằng hèn, thằng nhát, thằng lính mới nào cũng đều ưa phô
ra cái bề ngoài dũng cảm, ngang tàng, phớt mọi sự đời, ra cái điều
chẳng kém cạnh lính cựu. Nhưng khi đã về Hà Nội rồi thì tôi biết cô Tâm
là vợ nó. Là do làm nghề sửa xe, ông ạ, tay làm, nhưng tai vẫn nghe.
Khách ngồi chờ mình sửa thì thích tán gẫu – đủ mọi thứ chuyện trên giời
dưới đất.
- Tất nhiên rồi. Anh kể tiếp đi.
- Sau đó là chiến
tranh - những trận đánh, những chiến trường. Không thể nhớ chúng tôi đã
đi những đâu, đi thế nào, đánh thế nào. Khi cái đó quá nhiều thì nó trở
thành nhàm, khỏi kể… Người nghe cũng chán. Điều may mắn là hai anh em
chúng tôi luôn được ở gần nhau, khác đại đội nhưng cùng một tiểu đoàn.
May mắn nữa là bom đạn tránh cả hai, xây xát nhẹ có, nhưng bị thương thì
không. Nói may mắn là không đủ, chiến tranh ở miền Nam ác liệt lắm,
người chết, người bị thương la liệt mà mình không hề hấn gì thì phải nói
là có phúc.
Cô Tâm:
- Em nghĩ mãi cũng không hiểu tại sao anh
ấy không muốn nhận có biết nơi chôn cất nhà em. Cậy răng cũng không nói.
Hỏi gì cũng chỉ ừ hữ, đánh trống lảng.
- Khó hiểu thật.
-
Nhưng rồi anh ấy cũng hứa: “Mọi chuyện sau này cô sẽ rõ, chẳng cần tôi
kể. Tôi sẽ đưa cô đi bốc mộ chú ấy. Tôi đã hứa, tôi sẽ làm”. Anh ấy đã
giữ lời hứa.
Chồng cô Tâm:
- Suốt chuyến đi, anh ấy tỏ ra không
muốn bắt chuyện. Vì lẽ gì thì sau này em mới biết. Và thông cảm. Người
nào mà chả có những điều không muốn nói ra, phải không anh? Sau chuyến
bay Nội Bài-Tân Sơn Nhất, Tâm hơi mệt. Chúng em nghỉ lại Sài Gòn một đêm
rồi hôm sau đi tiếp bằng xe đò…
Mịch:
- Anh từng ở bộ đội, anh
biết. Chiến tranh là tan hoang. Mọi thứ, không chừa cái gì. Thế mà chỉ
cần hết đánh nhau một ngày là mọi vật biến đổi. Cây cối lại đâm chồi,
nẩy lộc, người lại tấp nập trên đường, nhà cửa bắt đầu được dựng lại, dù
tạm bợ, dù xây mới. Huống hồ từng ấy năm đã qua. Đến nơi xảy ra trận
đánh cuối cùng của chú Tường tôi không tài nào nhận ra. Với lại, anh
tính, bộ đội mình toàn hành quân đêm, có mấy khi nhìn thấy quang cảnh
ban ngày. Cái còn lại nhắc ta tới cảnh quan cũ thường là ngọn núi ở đâu
đó, lấy nó làm chuẩn mà định hướng… Biết là đến nơi rồi, mà tôi cũng
không dám chắc.
- Tôi cũng đã trải qua cảm giác ấy một lần, khi trở lại vùng đơn vị tôi bị bao vây trong một trận càn.
- Cây cầu nhỏ trên con lộ mà chúng tôi đặt mìn phá tung thì nay là một
cái cầu mới rộng gấp ba, bởi hai bên mố cầu nhà cửa san sát, đã thành
một thị trấn sầm uất.
Cô Tâm kể:
- Thấy anh Mịch cứ đứng đờ đẫn
nhìn về một phía, chúng em đã tưởng anh ấy không nhớ ra, nên bảo xe
dừng không đúng chỗ. Taxi đi rồi, em mới lo chứ. Nếu còn phải đi tiếp
nữa thì ở giữa vùng quê ấy đào đâu ra xe. Nhà em lặng im, nhưng nhìn mặt
nhà em, em biết nhà em cũng lo lắm.
Mịch:
- Tôi xúc động, ông
ạ. Nơi này hôm nay không còn một bóng dáng nào của một chiến trường,
nhưng với tôi, nó in dấu một trận đánh hết sức ác liệt. Và hết sức tồi
tệ nữa, đối với Tường. Không biết có bao nhiêu đồng đội của tôi đã ngã
xuống ở đây.
Chồng cô Tâm:
- Anh Mịch cứ thế đứng sững một lúc
lâu. Như tượng. Em cũng như nhà em, lo lắm. Chỉ sợ chuyến đi này cũng sẽ
lại như những chuyến trước, vất vả nhiều, tiêu pha tốn kém, rồi lại sôi
hỏng bỏng không. Bất thình lình anh ấy chẳng nói chẳng rằng xăm xăm
bước rảo về phía có rất nhiều cây cối xanh um ở đàng xa. Em lật đật theo
sau, với cuốc xẻng, nhà em thì tay xách nách mang hương hoa, rượu, nói
tóm lại là các thứ không thể thiếu cho một lần tìm mộ.
Cô Tâm:
-
Chúng em lật đật theo sau anh Mịch. Càng rời xa con đường hàng tỉnh anh
ấy càng rảo bước. Cái nơi nhìn từ xa chỉ thấy một màu xanh đậm ấy hoá
ra là một khu rừng. Anh Mịch bảo: “Gần đến rồi, tôi đã nhận ra chỗ này,
trước kia nó rậm rạp lắm, chắc người ta khai phá nhiều rừng mới ra thế
này”.
Mịch kể:
- Trung đoàn đã rút sau khi đẩy địch về phía bìa
rừng. Chúng tôi còn hai trung đội đoạn hậu, không ngờ đụng đơn vị địch
vừa điều đến bổ sung, thế là rơi vào thế bị bao vây. Rừng cây che chắn
cho cả hai bên. Đạn bắn rào rào, nhưng ít người bị thương. Chúng tôi tắt
điện đài, tản ra, ba khẩu trung liên đặt rải rác làm nghi binh luôn di
chuyển để địch không đoán được lực lượng bên mình. Căn cứ hoả lực địch
thì chắc chúng cũng không quá đông - trước mặt là một đại đội và sau
lưng có thể hai. Nói tóm lại, chỉ còn nước chiến đấu chờ đến chiều tối.
Bóng đêm sẽ che chở chúng tôi.
Cô Tâm:
- Anh Mịch cứ đi băng
băng, quên hẳn chúng em thở hồng hộc theo sau. Anh ngoắt nhìn bên phải,
rồi bên trái, chăm chú quan sát, chắc hẳn cố tìm lại những dấu vết đã bị
thời gian xoá nhoà. Tim em đập thình thình. Nhìn dáng đi của anh Mịch,
em tin rằng lần này em sẽ tới được nơi nhà em nằm xuống. Nước mắt em
trào ra.
Chồng cô Tâm:
- Đến một dòng suối, anh Mịch dừng lại.
Có vẻ anh vẫn còn hồ nghi không biết đây có phải là con suối anh muốn
tìm không? Nhưng rồi anh bước xuống, xem xét một hồi, sau đó mới quyết
định lội ngược dòng.
- Em hỏi anh Mịch: “Anh chắc rồi chứ?”
- Là nó đây, chính nó rồi – anh Mịch nói - Không biết người ta đã làm gì nó để nó cạn đi như thế này?”
- Chúng em lội chừng vài trăm mét thì gặp một cái hốc um tùm cành lá và
dây leo. Anh Mịch lấy dao phạt chúng, mở đường vào cái hốc tối mò ấy.
Cái hốc hẹp, nhưng nông, đất ướt nhoẹt, chúng tôi dò từng bước, người nọ
theo chân người kia. Bỗng anh Mịch dừng lại: “Đây rồi!” Anh ấy gieo
mình xuống, hai tay bưng mặt: “Tường ơi!” Cùng với tiếng kêu xé ruột,
nước mắt trào ra qua kẽ tay anh. “Không sâu đâu. Chú đào đi, Nhưng nhẹ
tay thôi!”, anh nói trong tiếng nức nở. Em lấy xẻng hớt dần từng lớp đất
nơi tay anh Mịch chỉ. Tâm quỳ xuống bên, châm hương, khe khẽ khấn. Đúng
như anh ấy nói, vài phút sau cái xẻng đã đụng vào vật gì đó lùng nhùng –
một mảnh vải mưa. Khẽ khàng gạt đất đi, em kéo mảnh vải mưa đã mủn ra…
Cô Tâm:
- Em xụm xuống, anh ạ, khi nhìn thấy anh nhà em. Người ta bảo người
thân nhìn thấy xương sọ thôi cũng biết ngay là người nằm kia là người
của mình, em nhận ngay ra anh ấy, dù quần áo đã bục hết trơ ra bộ cốt.
Em gào lên được hai tiếng “Anh ơi!” là ngất liền.
Chồng Tâm:
-
Em đỡ lấy Tâm, cuống quýt xoa dầu cho cô ấy. Phải một lúc sau nhà em mới
tỉnh lại. Anh Mịch mặc em săn sóc nhà em, cứ ngồi yên, như thể người
mất trí. Em cũng sững người trước cảnh tượng trước mắt – dưới mảnh vải
mưa không phải chỉ có một, mà hai bộ cốt trong tư thế nằm nghiêng, ôm
lấy nhau…
Mịch kể:
- Tôi bị lạc. Khi đơn vị rút, tôi không nghe
thấy khẩu lệnh. Cứ loanh quanh mãi trong khu rừng ấy cho tới rạng sáng.
Đến lúc hiểu ra rằng mình không còn biết đường nào thoát ra khỏi trận
địa ban ngày, tôi gặp con suối này và tụt xuống. Suối không sâu, nước
chỉ đến thắt lưng. Lội một lát thì gặp cái hốc này. Mới vạch lá chui
vào.
Anh ngừng lời, như để nhớ lại giờ phút ấy:
- Nhìn ra chẳng
thấy gì vì cành lá xum xuê - một chỗ nấp cực tốt. Nếu địch có truy đến
đây thì cũng chẳng ma nào dại dột chui vào – trong đó có người thì chỉ
một phát bắn ra là ngoẻo. Cùng lắm thì chúng quẳng một quả lựu đạn cho
phải phép rồi bỏ đi. Mà cái hốc lại không thẳng. Sau vài bước chân, nó
quặt ngang, mình đã ở trong chỗ ngoặt đó thì an toàn tuyệt đối. Chui vào
sâu hơn nữa, tôi nhìn thấy một đống đen đen. Bật lửa lên, trong ánh
sáng nhạt nhoà tôi nhận ra Tường. Nhưng sờ vào mặt Tường lạnh ngắt, tôi
biết đã muộn. Cậu ta nằm nghiêng, một tay ôm cái gì đó. Soi gần lại thì
thấy đó là một người nữa, nhưng không phải quân mình. Mà là người phía
bên kia, căn cứ quân phục và cái mũ sắt chỏng chơ bên cạnh. Khi ở bên
ngoài trời đã sáng, mắt đã quen dần với bóng tối tôi thấy chung quanh
hai người là bông băng bừa bãi, với một cái bi đông trong đó còn một
chút nước. Chắc hẳn hai người tình cờ chui vào hốc này, họ gặp nhau
trong khi cả hai đều bị thương nặng...
- Một tình huống bất ngờ. Họ sẽ làm gì nhỉ? Tiếp tục bắn nhau chăng?
- Cả hai không còn súng. Tôi không thấy súng bên hai người, chắc họ đã
vứt bỏ khi lết được đến đây. Là tôi đoán thế. Mà cũng có thể trong giây
phút chạm trán họ không còn nghĩ tới việc giết nhau. Cả hai bị thương
rất nặng. Trong tình trạng đó, họ đã có một quyết định thông minh là
giúp nhau băng bó, san sẻ với nhau lương khô, nước uống. Nhưng rồi cả
hai, đã không tránh được cái chết. Nơi này khá xa những cuộc giao tranh,
giá họ có kêu cứu cũng chẳng ai nghe thấy. Trước mắt tôi là một cảnh
tượng kỳ cục không thể nào hình dung ra - hai người lính của hai bên đối
địch ôm nhau chết. Chỉ có thể đoán phỏng rằng khi mất hết máu, người bị
thương ắt run cầm cập vì lạnh, và lúc ấy họ chẳng còn cách nào khác là
ôm lấy nhau, truyền cho nhau hơi ấm còn lại. Ấy là tôi hình dung ra thế,
không chắc có đúng. Chiến tranh chúa bịa ra những chuyện bất ngờ, nhưng
cảnh này chắc chưa ai từng gặp.
- Trong chiến tranh không thiếu
những chuyện không thể nào lý giải. Tôi tin con người ta có số. Một lần
tôi đi cùng đội trinh sát năm người, đang di chuyển trên một đồng lúa
vừa lên đòng thì gặp một trận pháo Bofors 57. Tôi bổ nhào, úp mặt xuống
bùn, đến lúc ngẩng lên thì thấy trừ tôi ra, tất cả anh em đi cùng tôi đã
biến mất…
- Tôi cứ ngồi đấy cho tới chiều, bên hai cái xác - Mịch
trầm ngâm - Đói thì nhấm mẩu lương khô, khát thì có nước suối. Thèm
thuốc lắm, nhưng không dám hút. Chỉ sợ mùi địch ngửi thấy mùi thuốc lá.
Không thể không cảnh giác, mặc dầu ở bên ngoài tiếng súng đã im hẳn –
hai bên có lẽ đã rút hết. Đầu tiên, tôi định gỡ hai người ra để đưa xác
Tường lên trên, kiếm chỗ nào khô ráo chôn chú ấy, nhưng hai cái xác lạnh
cứng,không thể nào tách ra được. Sau đó, tôi nghĩ, nếu hai người họ đã
thông cảm với nhau, đã giúp nhau trước khi chết thì tại sao lại phải
tách họ ra? Thế là tôi lấy con dao găm hì hục đào một cái huyệt nông,
lót ni lông xuống dưới, phủ mảnh khác lên trên rồi lấp đất lại. Ni lông
chúng tôi không thiếu.
Cô Tâm:
- Em tỉnh lại thì thấy nhà em
nhìn trân trân anh Mịch. Anh Mịch gắn mắt vào hai bộ xương. Cả hai không
nói câu nào. Em thì nghĩ: tại sao hai người không bắt tay vào việc, lại
cứ ngồi ì ra như thế?
Mịch:
- Bây giờ chắc ông hiểu vì sao tôi
tránh không muốn nói tới cái chết của Tường. Ông thử hình dung cảnh tôi
báo cho đơn vị biết nơi Tường chết, trong trường hợp ấy họ sẽ xử trí thế
nào với hai cái xác? Người ta sẽ nhặt xác Tường, còn cái xác kia thì
lấp đất lên, và bỏ đi? Tôi chắc chắn họ sẽ làm như thế. Nhưng thật bất
nhẫn - hai người, dù ở hai bên đối địch, đã giúp nhau trong những giờ
phút cuối cùng để giành lại sự sống. Để làm được điều đó họ phải bỏ ra
ngoài mọi hận thù, nếu có. Mà chắc gì họ có cái đó. Cả hai đều là lính,
họ bắn vào nhau theo mệnh lệnh, chẳng biết viên đạn của mình bắn sang
bên kia sẽ trúng ai… Còn bây giờ? Tôi chỉ biết kể lại cho vợ chồng Tâm
quang cảnh lúc tôi vô tình tìm thấy chú Tường trong cái hốc này, với một
người lính ở phía bên kia, và tôi đã ngạc nhiên như thế nào khi nhìn
thấy hai cái xác ôm nhau.
Chồng Tâm:
- “Mình làm gì bây giờ,
hở anh Mịch?” – cuối cùng em hỏi anh Mịch, em chờ câu trả lời của anh
ấy. Anh Mịch im lặng thêm một lát, dường như để suy nghĩ điều theo anh
ấy là nên làm, rồi bảo: “Cô chú cứ việc mang cốt chú Tường về, rồi đưa
chú ấy vào nghĩa trang liệt sĩ. Việc của tôi giúp cô chú đến đây là
xong”. “Còn bộ cốt kia?”, em hỏi. “Đó là việc của tôi”- anh ấy nói -
Không thể để cậu này ở đây được. Hai đứa đã giúp nhau chống chọi với cái
chết trong những phút cuối cùng, mang một đứa đi, đứa kia vứt lại sao
đành?” Em bảo: “Hay là ta cứ mang cả hai về, báo danh một anh Tường
thôi, còn anh kia ta nói không rõ danh tính, coi như chiến sĩ vô danh…
Họ sẽ được ở bên nhau cùng một chỗ”. Anh Mịch quắc mắt quát: “Làm thế
sao được? Làm thế là lừa đảo. Người lính bên kia cũng biết coi trọng
danh dự chứ. Cậu ta không chịu nằm lẫn với những người được bên chiến
thắng vinh danh đâu. Như thế là nhục. Không, tôi sẽ không để cậu ấy nằm
lại đây một khi chú Tường được mang đi, tôi sẽ mang cậu ấy về, chờ tới
khi nào có người nhà tìm đến…
Đến đây đã có thể kết thúc câu chuyện
mà tôi muốn kể. Đúng là những người đi tìm hài cốt đã gặp một việc rất
khó có được một giải pháp ổn thoả.
Điều làm tôi ngạc nhiên là không phải ý kiến cuối cùng của Mịch là cái đặt dấu chấm hết cho mọi băn khoăn.
Mịch kể rằng anh rất bất ngờ nghe cô Tâm gạt nước mắt đứng lên, nói:
- Ta sẽ đem cả hai về - cô thổn thức, nhưng với giọng quyết đoán - Em
sẽ mai táng cả hai anh trong phần đất đặt mộ của họ nhà em ở quê...
Mịch bảo:
- Như thế liệu có gì trở ngại không?
- Là việc của em. Em thu xếp được. Các anh nghĩ thế nào? Hai anh ấy sẽ
vẫn được bên nhau như trong phút cuối cùng cuộc đời hai người. Anh Tường
không nhất thiết phải nằm trong nghĩa trang liệt sĩ. Cả hai đều không
phải là liệt sĩ, theo bất cứ nghĩa nào của bên nào, em nghĩ thế. Cả hai
đều là những người không may trong một cuộc chiến không phải của họ.
Chồng cô gật gù tán thưởng. Anh nói: trong việc này vợ anh là người có
toàn quyền quyết định. Mà đó là quyết định đúng nhất, hay nhất.
Cũng
ở đoạn cuối câu chuyện này, trong khi chuyện vãn, tôi mới được biết vì
sao Mịch mất một chân trong thời gian đi B mà lại không được hưởng chế
độ thương binh. Số là, sau khi chôn cất Tường, anh bị rơi vào trầm cảm
nặng. Cái chết của hai người lính ở hai bên đối địch dẫn anh tới những ý
nghĩ lộn xộn không nên có trong đầu người lính. Trong một trận khác anh
bị thương, được đưa về quân y viện tiền phương. Đáng lẽ chờ cho đến khi
được chuyển ra Bắc theo đường chính quy thì anh lại bám theo xe một
người bạn “B quay”. “B quay” là cách chỉ lính bỏ ngũ, đào binh. Với “B
quay” chỉ có một đường – nếu bị phát hiện thì a lê hấp, vào các trung
đoàn kỷ luật, đi làm đường hoặc các thứ lao công linh tinh khác của quân
đội. Bằng cách nào anh bạn anh kiếm được giấy tờ để chạy ngược con
đường ra trận, anh không kể, tôi cũng không hỏi. Chiến tranh có những
cái lạ chỉ nó mới có, đòi giải thích đầu đuôi xuôi ngược ra sao là ngớ
ngẩn. Trở về địa phương mà không bị phát hiện đã là sự may mắn rồi. Thế
rồi thời chiến qua, thời bình lại, mọi người bận bịu kiếm ăn, những
chuyện bới bèo ra bọ là việc chẳng ai muốn làm. Người thường coi anh là
thương binh, cơ quan nhà nước không coi anh là thương binh, chuyện ấy
đối với Mịch giờ bất thành vấn đề. Lâu cứt trâu hoá bùn.
Khi đọc
lại những dòng ghi chép trên, thú thực là tôi rất muốn lôi những con chữ
đẹp vào đấy, sắp xếp lại chúng với tuần tự, lớp lang, hi vọng chúng sẽ
làm cho câu chuyện thêm duyên. Nhưng khi thử đặt chúng vào mọi chỗ có
thể đặt, tôi thấy chúng suội lơ, chẳng có chút sinh khí nào. Thôi thì cứ
để nguyên như trước còn hơn.
Anh Mịch và tôi đã đến thắp hương cho
hai nấm mồ của hai người không hề là bạn trong cuộc đời, nhưng đã trở
thành bạn trong giờ lâm tử. Vợ chồng cô Tâm đã làm hai bia mộ đàng
hoàng, một có tên người chồng trước của Tâm, một chỉ ghi người nằm dưới
là bạn thiết của chú ấy.
1981-2015
Truyện ngắn của nhà văn Vũ Thư Hiên mới được công bố. Rút kinh nghiêm lần trước, tôi không đưa ra bất cứ "định hướng" nào, để bạn đọc tự thưởng thức.
Có bức ảnh "Hai người lính" của nhà báo Chu Trí Thành chụp năm 1973, nhưng theo tôi hoàn toàn không phù hợp với truyện ngắn này,
Nguyễn Công Thành
Bao giờ chúng ta vâng lời Chúa: "Ngươi chới phạm tội giết người"?!
ReplyDeleteHề hề hề, Minh ơi ý Chúa không phải là ý của mọi người dân sống trên trái đất này, và cũng không phải ý của các nhà làm chính trị muốn. Bởi vậy, chiến tranh sẽ chẳng bao giờ có thể chấm dứt vĩnh viễn trên trái đất, và cái sự giết người cũng sẽ chẳng bao giờ chấm dứt vĩnh viễn được cả. Thế giới văn minh thì cái sự giết người nó cũng sẽ văn minh hơn mà thôi.
DeleteHu hu hu,
ReplyDeleteMột suy luận có phần chủ quan của nhân vật Mịch dẫn tới kết cục... không hay cho bản thân anh ta (không được là thương binh, B quay...). Nhưng mà đọc xong thấy nghẹn ngào... và cũng không thể phê phán anh Mịch này được. Quả là: "Không thể để cậu này ở đây được. Hai đứa đã giúp nhau chống chọi với cái chết trong những phút cuối cùng, mang một đứa đi, đứa kia vứt lại sao đành?".
Vơ vẫn nghĩ theo phong cách... thám tử: "Hay là hai anh lính này vật nhau cho đến lúc chết?". Nhưng mà như thế khó ... linh ứng lắm!
Thương thay, thương thay...
Hề hề hề, nội dung câu chuyện, dù rằng đã được tác giả rào trước đón sau rằng nó chỉ có bớt mà không thêm, nhưng đọc xong Mõ tui vẫn cảm thấy đó là một câu chuyện do nhà văn viết ra. Cái chất khả tín ở trong chuyện vẫn nhạt phèo phèo. và cái suy nghĩ của nhà văn vẫn hiển hiện qua từng câu văn và nó không toát lên được cái ý khách quan trong câu chuyện.
ReplyDeleteĐúng là trong chiến tranh có rất nhiều chuyện ly kỳ và cảm động về tình người mà cho đến nay vẫn chưa thể khai thác hết được.
cái ý của thám tử rằng hai anh cu vật nhau cho đến chết cũng không hẳn là ý không đúng bởi chả có ai chứng kiến cái cảnh ấy cả. Và nếu chỉ nhìn hiện tượng để đoán sự việc thì sẽ có nhiều cách phỏng đoán khác nhau. Tuy nhiên sự thực sẽ chỉ luôn có một và nhiệm vụ của thám tử là tìm ra sự thật đó.
Cũng vì suy nghĩ như vậy nên Mõ tui chả bình loạn gì về câu chuyện này cà. Nó nhân văn hay nó vật văn Mõ tui cũng chả hay. Cái mà Mõ tui ghi nhận được qua câu chuyện này là có người đã nói cho Mõ tui biết về câu chuyện. Vậy thôi, không có đúng, không có sai, và cũng không có gì đáng để bình loạn cả. Suy nghĩ của nhân vật Mịch hay của nhà văn cũng như phỏng đoán của thám tử đều chỉ là một trong nhiều đáp án có thể của cái sự ôm nhau lúc chết mà thôi. Cái xác thực vẫn còn chưa biết. Liệu thám tử có tìm ra cái xác thực đó được không???
Hề hề hề,
DeleteMình đâu có khả năng biết được mọi chuyện, nhất là truyện của nhà văn viết ra.
Nhưng Thành ngạc nhiên về khả năng "không cảm" của Bình đấy! Phải viết thế nào mới khiến Bình xúc động?
:-(
Hề hề hề, Cảm cái chi hè??? Cảm cái vật nhau cho tới chết ư???
DeleteHay là cảm cái "truyền hơi ấm cho nhau đến lúc chết"???? Có thật vậy không hay là do nhà văn sáng tạo ra??? Trong cảnh chiến tranh khốc liệt, cái việc sống chết chỉ như đường tơ kẽ tóc thì họ có còn đủ khôn ngoan và minh mẫn để làm cái việc như vậy không??? Đó là chưa kể tới câu chuyện kể của nhân vật Mịch có nhiều điểm không chuẩn xác nữa.
Sơ lược về nhà văn Vũ Thư Hiên:
ReplyDeleteRất nhiều người trên mạng biết về nhà văn Vũ Thư Hiên, người được coi là "chứng nhân lịch sử" của một thời cách mạng Việt Nam (1954 - 2004).
Nhà văn Vũ Thư Hiên sinh năm 1933, là con của cụ Vũ Đình Huỳnh, trước CMTT từng tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, sau CMTT là thư ký riêng của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà văn Vũ Thư Hiên thuộc thế hệ đầu tiên sang Liên Xô học về Điện ảnh (năm 1955 - 1958). Sau khi ở Liên Xô về, ông bị bắt vì tình nghi tham gia vào Vụ án Xét lại chống Đảng và bị giam cầm suốt 9 năm (1967 - 1976) mà không có án. Thuộc loại ra tù muộn nhất trong nhóm, nhà văn Vũ Thư Hiên còn bị quản thúc và làm công nhân tại nhiều nơi.
Năm 1989 ông viết tiểu thuyết Miền Thơ ấu và tham gia vào Hội nhà văn Việt Nam.
Năm 1993 ông sang Nga và viết hồi ký "Đêm giữa ban ngày" tại đây, nhưng bị tấn công cướp hết tài liệu. Ông phải dạt sang Balan và sau đó sang Pháp. Tại đây ông hoàn tất tác phẩm Đêm giữa ban ngày và sau đó xuất bản tại Mỹ năm 1997.
Ngoài những tác phẩm kể trên ông đã dịch tuyển tập truyện ngắn của Pautopxki "Bồng hồng vàng" năm 1962 và còn một số truyện ngắn khác.
Tác phẩm của Vũ Thư Hiên được đọc và truy tầm nhiều nhất trên mạng internet.