Friday, November 9, 2012

Tôi đi dự Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga

Vừa hôm qua, tôi viết trên mail đàn "mọi người quên hết ngày này rồi", thì đến Viện Vật lý, Viện trưởng gọi lên trao thư mời đi dự Kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga do Hội hữu nghị Nga Việt tổ chức với sự tài trợ của nhiều công ty và tổ chức. Trộm nghĩ, hóa ra mọi người vẫn chưa quên hẳn, vẫn còn đâu đó trên trái đất này...
Thực ra tôi cũng không khoái đi xem lắm vì hồi 90 năm đã đi xem một lần tại Cung hội nghị quốc gia, tổ chức khá hoành tráng và có kịch bản khá tốt với sự dẫn dắt CT của MC Hồng Thanh Quang (nhà văn, nhà thơ gì đó trước cũng từng ở Nga lâu năm và nói được tiếng Nga), lần này có vẻ lặng lẽ hơn và chương trình cũng ngắn hơn. Thế nhưng về nhà hỏi vợ thì nàng gật đầu cái rụp và trao ngay nhiệm vụ "xe ôm mặc comple hộ tống nàng đi xem". Cũng đành tặc lưỡi, hơn nữa mình đại diện cho Ban lãnh đạo Viện Vật lý cơ mà.

Đúng 8h tối ngày 7/11 chúng tôi có mặt tại Trung tâm Âu Cơ - Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, tra mãi google mới ra địa chỉ số 8, Huỳnh Thúc Kháng Hà Nội. Cô tiếp tân dẫn chúng tôi leo bộ lên trên tầng thượng, từ đó có thể nhìn bao quát cả sân khấu và khán giả ngồi dưới khá đông gần kín hết chỗ. Chương trình có tên là "Tình Khúc Bạch Dương" mời được MC Thảo Vân khá nổi tiếng của VTV (vợ của diễn viên Công Lý trước đây) ăn nói lưu loát và khá chuyên nghiệp.


Về phần nhạc thì miễn bàn vì quanh đi quẩn lại chỉ có chục bài hát tiếng Nga từ hồi chúng ta ngồi trên ghế nhà trường, có khác chăng chỉ là đổi thứ tự bài hát. Lần này bài hát mở màn là Cachiusa với hình ảnh minh họa là hình ảnh chiến đấu của cả hai dân tộc và được coi là "bài hát mang lại tinh thần chiến đấu quả cảm cho các chiến sĩ ngoài mặt trận???" - như lời giới thiệu bài hát của MC. Sau một bài hát nữa, chương trình chuyển sang giao lưu với các vị khách mời là: cựu Phó thủ tướng Vũ Khoan, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nga tên là Mạnh (họ và đệm tôi không nhớ) và cô giáo Việt Hương dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Nga sang học khoa Việt Nam học. Trong ba người, ông Vũ Khoan thể hiện rõ là một nhà ngoại giao và chính khách. Phát biểu của ông rõ ràng và mang tính động viên cao. Tôi còn nhớ mấy ý cảm tưởng về cách mạng Tháng Mười của ông Vũ Khoan:
 - Chúng ta kỷ niệm đúng dịp đoàn Thủ tướng Nga Metvedev sang thăm chính thức Việt Nam và ký kết hiệp định quan trọng, (nhưng trong buổi kỷ niệm này không mời được một quan khách nào từ Đoàn chính phủ Nga cũng như là Đại sứ quán Nga tại VN).
- Có lẽ chúng ta kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười là duy nhất trên thế giới, kể cả Nga cũng không có buổi kỷ niệm chính thức (may ra Đảng Công sản của Giuganov có tổ chức).
- Chính khách để lại nhiều ấn tượng cho nhân dân Nga là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Vũ Khoan có kể về chuyến thăm Liên Xô của Bác Hồ năm 57, khi đó ông làm Đại sứ tại Liên Xô. Bác Hồ được đón tiếp với nghi lễ cao nhất, nhưng khi về nhà khách Bác không yêu cầu phục vụ cơm nước mà bảo cả Đoàn tự phục vụ dọn lấy cơm nước để ăn. Quần áo lót Bác cũng tự giặt không nhờ phục vụ. Bác còn "tích trữ" hộp thuốc lá bằng kim loại mang sang tặng các nữ nhân viên Nga để đựng kim chỉ. Ông Vũ Khoan có nói với Bác: "Bên này người ta làm hộp đựng kim chỉ rất đẹp", Bác trả lời: "Người ta quí là quí tấm lòng của người tặng chứ không phải là vật phẩm". (Sau lần này không biết Bác có còn tặng những tặng phẩm như vậy nữa hay không?). Người Nga đón tiếp Bác cũng bằng cả tấm lòng, hàng dài người vẫy cờ hoa chào đón suốt cả chặng đường. Cách tiếp đón như vậy chỉ xảy ra khi Gagarin trở về từ vũ trụ.
- Ông Vũ Khoan cũng khuyên các bạn trẻ học tiếng Nga để biết về một nền văn hóa vĩ đại, một đất nước rộng lớn và tâm hồn nhân hậu của người Nga. Riêng tôi chỉ mong quan hệ với Nga tốt lên để ACE Xanh Đỏ Tím Vàng có điều kiện thăm lại nước Nga khi về hưu.
Phát biểu của anh Mạnh và cô giáo Việt Hương không có gì đặc biệt. Còn đọng lại trong tôi 2 chi tiết:
- Cậu Mạnh này sang Nga cách đây 33 năm, như vậy tương đương với lớp i-Tím.
- Cô giáo Việt Hương dạy lưu học sinh Nga đã lâu nhưng chưa từng được đến nước Nga.
Chương trình tiếp tục với các bài hát. Có lẽ vì tên: "Tình Khúc Bạch Dương" nên có 2, 3 bài có liên quan đến cây dương đều được mang ra hát. Nghe giai điệu: "Chiều dần buông màu tím..." lại nhớ tới bài hát chế với giọng ca ĐB Khang: "... trắng phau phau, trừ cái nốt ruồi".
Có 2 bài hát dể lại ấn tượng cho tôi là: "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm" và "Triệu bông hồng". Ấn tượng ở đây không phải vì nhạc mà là phông cảnh chụp Quảng trường Đỏ từ góc máy rất đẹp, nhà thờ Spaskyi ở trung tâm và cảnh điện Kremlin cùng bức tường như bao quanh, đúng là đứng giữa Mạc Tư Khoa, rất đẹp. Tôi có zoom để chụp cận cảnh phông này nhưng không nét lắm.
Còn các bài hát tiếng Nga do các ca sĩ Việt Nam thể hiện thì tôi chỉ nghe được một vài từ tiếng Nga. Bài "Triệu bông hồng" nổi tiếng của Alla Pugacheva mà cho các nhạc công Việt Nam chơi nhạc ra một kiểu khác hẳn. Lần này ca sĩ Thái Bảo hát khá đúng về nhịp và giai điệu hơn nữa có tốp múa phụ trợ với các cô váy áo đỏ tượng trưng cho hoa hồng và anh hoa sĩ cùng với khung tranh rỗng.
Ra về tôi vẫn day dứt với câu hỏi: "Liệu buổi kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười độc nhất vô nhị này có thực sự làm nóng được mối quan hệ Nga - Việt vốn đã gần đóng băng, hay không?". Luôn mong cho tình hữu nghị Việt Nga nở hết cỡ như những cánh hồng được chiếu lên phông trong buổi kỷ niệm này.

11 comments:

  1. Ngày hôm qua lượt xem tăng vọt anh Thành ạ! Có phải "hội chứng" 7.11 chăng?!
    Các anh chị kỷ niệm 7.11 có gặp nhau không ạ? Bọn em thì có mấy cuộc gặp khá vui như: Hội báo chí và những người có liên quan đến nghề báo từng học Nga gặp nhau hôm 3.11 tại TTXVN; MGU gặp nhau hôm 4.11 tại nhà hàng cuối đường Đội Cấn; Toán cơ MGU đá bóng rồi nhậu hôm 7.11 và trưa nay Ban Biên tập LHSVN bọn em ăn trưa ở Phạm Sư Mạnh...
    Thế nên, anh cũng đừng buồn nếu buổi kỷ niệm nào đó chưa đặc sắc. Cái chính là nước Nga, văn hóa Nga, giá trị Nga... sống trong lòng mỗi chúng ta cơ, mới là quan trọng... Hê, hê...

    ReplyDelete
  2. Chỉ có 999999 bông Hồng thôi anh CT ạ, một bông đã "lạc" vào iCVA rồi ...:-))))

    ReplyDelete
  3. Cám ơn các bạn ANN, T Cường, TN đã động viên. Thực ra tôi không hẳn là buồn về ngày 7/11 mà là lo lắng với cách làm không giống ai của Việt Nam. Điển hình của chuyện "không giống ai" này chính là ngày 20/11.
    Lịch sử của ngày này xem ra còn nhiều điểm tranh cãi: (nguyên văn wikipedia)

    "Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

    Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 (hội nghị có 57 nước tham dự), đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa, lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Ngày này lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc Việt Nam. Những nǎm sau đó, ngày lễ này được còn tổ chức tại nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Hàng nǎm vào dịp kỷ niệm 20 tháng 11 cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong các vùng khác, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của những giáo viên kháng chiến.

    Khi Việt Nam thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam".

    Chúng ta có thể thấy:
    - Ngày 20/11 không gắn với bất cứ sự kiện nào của Việt nam cũng như của thế giới. Cần phải xem lại nội dung cuộc họp 26 - 30/8/1957 của FISE tại Warsava tại sao lại chọn 20/11 mà không phải ngày khác và tại sao chỉ có Việt Nam hưởng ứng ngày này mà các nước khác (kể cả XHCN như Liên Xô, Balan...) không biết đến ngày này.
    - Tại sao tên ngày 20/11 trước đây lại là "Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo"? Từ "Hiến chương" có ý nghĩa gì và ta có hiểu đầy đủ về nội dung của nó hay không? Sau này chúng ta bỏ chữ Hiến chương cũng tùy tiện. Nội dung của Hiến chương đầu tiên gồm những 15 chương là gì? Đến nay không có tài liệu nào ghi nhớ lại.
    - Điểm lại nội dung chính của Hiến chương: "đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo", chúng ta KHÔNG LÀM ĐƯỢC BẤT KỲ ĐIỀU GÌ!!, trong đó có điều đầu tiên "dấu tranh chống nền giáo dục tư sản" còn làm ngược lại. Thế thì tại sao chúng ta kỷ niệm ngày 20/11???
    - Tôi được biết trước khi HĐBT đưa ra quyết định ngày 28/9/1982, đã có ý kiến lấy ngày Bác gửi thư nhân ngay khai trường tháng 9/1945 làm ngày Nhà giáo việt Nam, nhưng chúng ta đã quá quen với ngày 20/11 nên không thay đổi được!
    - Giả sử sau này ngày 7/11 cả thế giới quên mà chúng ta vẫn nhớ thì chúng ta đặt tên cho nó ra sao? Không lẽ lại là "Kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga ở Việt Nam?"

    ReplyDelete
    Replies
    1. Một số điểm chi tiết hơn của "Hiến chương các nhà giáo", đọc mà cười méo cả miệng:

      - Đấu tranh chống lại mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục phong kiến, tư sản, nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ, khoa học.

      - Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi thường nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nhà giáo.

      - Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt coi trọng tính chất nhân văn của nghề dạy học và phương pháp dạy học tiên tiến.

      Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới mà nòng cốt là các nhà giáo ở các nước XHCN, đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo”. Từ ngày 26 đến ngày 30/5/1957 tại thủ đô Vacxava, Hội nghị quốc tế các tổ chức của nhà giáo lần thứ 2, có 57 nước tham gia trong đó có Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo".

      Delete
    2. Cúng ta hãy xem Ngày Nhà giáo ở các nước:

      1. Ấn Độ: ngày 5 tháng 9.
      Đây là ngày sinh của thủ tướng thứ hai của Ấn Độ, nhà triết học, Tiến sĩ Radhakrishnan. Trong ngày lễ này, mặc dù thầy cô giáo và học sinh sinh viên vẫn đến trường nhưng các hoạt động học tập trong trường lớp được thay thế bằng các buổi lễ kỷ niệm, và các hoạt động thăm hỏi, cảm ơn của học sinh sinh viên đối với giáo viên. Trong một số trường học, việc giảng dạy của các thầy cô giáo sẽ do các học sinh sinh viên lớp lớn đảm nhiệm nhằm thể hiện sự kính trọng đối với các giáo viên.

      2. Balan: ngày 14 tháng 10.
      Ngày 14 tháng 10 năm 1773, Hội đồng giáo dục Quốc gia Ba Lan đã được thành lập theo sáng kiến của vua Stanisław August Poniatowski.

      3. CHND Trung Hoa: ngày 10 tháng 9.
      Vào ngày này, học sinh sinh viên có một số hoạt động thể hiện sự kính trọng với thầy cô giáo, ví dụ như tặng quà, tặng hoa và tặng thiệp cho thầy cô.

      4. Hàn Quốc: ngày 15 tháng 5.
      Ngày Nhà giáo Hàn Quốc bắt nguồn từ việc một nhóm thanh niên là thành viên của Hội Chữ thập Đỏ đến thăm các thầy cô giáo cũ đang ốm tại một bệnh viện. Trong ngày này, buổi học thường kết thúc sớm và các học sinh sinh viên thường tặng cho thầy cô của mình những bông hoa cẩm chướng xinh đẹp. Một số trường cho cho thầy cô và học sinh nghỉ vào ngày này vì họ không muốn thấy hiện tượng các học trò tặng/hối lộ thầy cô bằng những món quà quá đắt tiền. Một số trường khác lại tổ chức các chuyến đi chơi xa cho các thầy cô giáo.

      Delete
    3. 5. Hoa Kỳ: 6 tháng 5. Tuần lễ chứa ngày 6 tháng 5, tức tuần đầu tiên của tháng 5, được gọi là Tuần Nhà giáo Hoa Kỳ (Teacher Appreciation Week). Học sinh sinh viên thể hiện sự kính trọng đối với thầy cô trong ngày này bằng việc tặng thầy cô các món quà kỷ niệm. Tổ chức giáo dục Liên bang (National Education Association - NEA), miêu tả ngày Nhà giáo là "ngày tôn vinh các giáo viên và các đóng góp của họ cho cuộc sống của chúng ta"[5].

      Lịch sử của ngày Nhà giáo Hoa kỳ được nêu trong trang web của NEA.[6] Nguồn gốc của ngày Nhà giáo Hoa Kỳ phải nói là hơi kỳ quặc. Vào năm 1944, Ryan Krug, một giáo viên ở Winconsin đã đề nghị với các nhà lãnh đạo chính trị giáo dục rằng nước Mỹ cần có một ngày lễ vinh danh các thầy cô giáo. Woodbridge đã viết thư cho Eleanor Roosevelt và ông này đến năm 1953 đã thuyết phục Quốc hội Mỹ lập một ngày lễ tôn vinh các giáo viên. Tổ chức giáo dục Liên bang (NEA) cùng với các bang Kansas và Indiana liên kết với thành phố Dodge ở Kansas đã tiến hành một cuộc vận động lớn cho việc thành lập một ngày lễ tôn vinh các giáo viên Mỹ. Cuối cùng thì Quốc hội đã quyết định tổ chức một ngày lễ tôn vinh các thầy cô giáo vào ngày 7 tháng 3 năm 1980. NEA và các đồng minh của họ thì lại xem ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng 3 là ngày Nhà giáo cho đến năm 1985, khi PTA tuyên bố Tuần Nhà giáo Hoa Kỳ là tuần đầu tiên của tháng Năm. Hội đồng Đại diện của NEA sau đó đã bầu cho ngày Thứ Ba của tuần ấy trở thành ngày Nhà giáo.

      Vào ngày 7 tháng 9 năm 1976, bang Massachusetts đã quyết định ngày 11 tháng 9 là ngày Nhà giáo của bang. Trên thực tế, ngày Nhà giáo của bang thường được tổ chức vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Sáu, và tuần lễ chứa ngày này lại là Tuần Nhà giáo của bang.

      6. Nga: ngày 5 tháng 10.
      Trong các năm 1965 - 1994, ngày Nhà giáo là ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 10. Từ năm 1994, ngày Nhà giáo Nga được lấy theo ngày Nhà giáo Quốc tế 5 tháng 10.

      7. Đài Loan (Trung Hoa dân quốc): ngày 28 tháng 9.
      Ngày Nhà giáo của Trung Hoa Dân Quốc vinh danh đức hạnh, những đóng góp của của thầy cô giáo cho xã hội cũng như những khó nhọc mà họ phải chịu đựng khi đã theo đuổi nghề "đưa đò" cho học sinh. Người dân thường nhân ngày này bày tỏ sự kính trọng của họ đối với các thầy cô giáo, ví dụ thăm hỏi hoặc tặng thầy cô các tấm thiệp mừng. Ngày Nhà giáo được tổ chức để kỷ niệm ngày sinh của Khổng Tử, người thầy đáng kính của nền giáo dục Trung Hoa cổ điển. Thật ra, vào năm 1939, theo quyết định của Bộ Giáo dục Trung Hoa Dân Quốc, ngày Nhà giáo lại là ngày 27 tháng 8 vì thời đó người ta cho rằng Khổng Tử sinh vào ngày này. Đến năm 1952, ngày Nhà giáo mới được Hành chính viện (行政院, tên tiếng Anh: Executive Yuan) đổi lại như hiện nay, theo ngày sinh chính xác của Khổng Tử trong lịch Gregorian.

      Delete
  4. CT à, Việt Nam mình thì còn vô số thứ không giống ai. Đạo đức thì xuống cấp nhanh. Xã hội bất an. Ta bắt chước nhanh nhất là từ anh hàng xóm (to xác xấu tính). Nhiều cái hay của anh ấy thì ít chịu học, học toàn cái dở. Mình cảm thấy lo lắng cho con cháu mình, thương dân tộc mình. Ai cũng hiểu nguyên nhân sâu xa từ đâu, nhưng makeno.
    Mình luôn yêu nước Nga, cho dù nó thay đổi nhiều. Nước Nga đã cho mình kiến thức, tình yêu, và có lẽ cả tính cách nữa. Chú gấu Nga sau cơn ngủ đông dài dài, đang đứng dậy để xứng tầm một dân tộc lớn.

    ReplyDelete
  5. Cả nhà tôi thì luôn nhớ ngày này vì nó là sinh nhật thằng con trai :-)

    ReplyDelete
  6. Mỗi ngày ta chọn một niềm vui
    Dịp nhớ tri ân hạnh phúc cuộc đời
    Đâu cần rõ ràng vì sao như thế
    Để tránh sai lầm ... được uống bia

    hehehe

    ReplyDelete
    Replies
    1. Theo như tớ hiểu ý của Dương, không quan trọng là ngày nào, cứ có ngày nhớ đến thầy để đến thăm và sau đó rủ nhau đi uông bia là được. Có phải vậy không?
      Thôi thì ngày nào cũng được, 1 năm có 1 ngày, thành thói quen rồi, khó sửa lắm

      Delete