Tuesday, August 14, 2012

Tiền nhân mượn bút ... :(

ĐƠN XIN TỔ CHỨC HỘI THẢO THƠ CẤP QUỐC GIA

Kính gửi: Hội nhà văn VN

Trước hết, xin tự giới thiệu, tôi là một người yêu văn chương vô cùng. Điều này có trời đất chứng giám, tổ tiên chứng giám. Nếu so với ông Hoàng Quang Thuận thì tôi chỉ kém một chút về khoản "nhập đồng" thôi.
Thế nhưng, tôi vẫn tin rằng, nếu Hội nhà văn VN đứng ra tổ chức hội thảo cho tôi, thì chắc chắn tôi cũng sẽ được "tiền nhân mượn bút".

Từ nhỏ đến lớn, tôi không hề làm được câu thơ nào.
Và tôi cũng chưa từng viết văn xuôi, do đó tôi không có khả năng để làm được một cái đơn xin gia nhập Hội nhà văn VN. Tuy nhiên, xin các ngài chớ lo lắng cho nhọc lòng. Tôi sẽ thuê người viết được một cái đơn hoàn chỉnh để kèm vào thủ tục làm hội viên.
Ban ngày bận bịu mưu sinh để đói phó với lạm phát phi mã, ban đêm phải theo dõi tin tức về biển Đông nóng bỏng, nhưng tôi vẫn hé mắt thấy nhiều vị đến tuổi già bỗng thành nhà thơ trẻ. Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng mình cũng có thể ghé chân vào chiếu thi ca!

Vừa qua, Hội nhà văn VN đứng ra đăng cai hội thảo thơ cho ông Hoàng Quang Thuận. Ôi, tuyệt vời làm sao. Cái tham luận nào cũng thánh thót, cũng nức nở, cũng ngân nga. Nhất là tuyệt kỹ tự bóc lưỡi để hót cho hay của ông Hữu Thỉnh và ông Dương Kỳ Anh khiến tôi vừa bay bổng vừa lâng lâng suốt cả tuần lễ. Được biết, thơ của ông Hoàng Quang Thuận sáng tác bằng cách ngắt xuống dòng những câu văn xuôi trong tập "Chùa Yên Tử - Lịch sử, truyền thuyết di tích và danh thắng", mà các nhà thơ lừng lẫy và các nhà phê bình lỗi lạc vẫn tung hô lên tận mây xanh. Tôi trộm nghĩ, mình cũng làm được như ông Hoàng Quang Thuận. Nếu lãnh đạo Hội nhà văn VN đồng ý tổ chức hội thảo cho tôi, thì tôi sẽ lập tức đi mua mấy cuốn sách viết về chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Thiên Mụ để… "mượn bút tiền nhân" sản xuất ngay mấy tập thơ vần điệu du dương và sáo rỗng!

Về chuyện kinh phí, thì Hội nhà văn VN hãy yên tâm. Tôi theo dõi mấy hội thảo hoành tráng gần đây, thấy nhân vật chính là những cán bộ hải quan, chủ bút báo lá cải hoặc viện trưởng viện công nghệ thông tin thánh phán. Tôi tuy không bằng các đại gia ấy, nhưng mấy chục năm bán trứng vịt lộn lề đường cũng gom góp được hơn trăm triệu đồng, chắc cũng đủ để trả cho mỗi tham luận 500 ngàn hoặc một triệu đồng, hòng giúp văn nhân cao hứng khua môi múa mép.

Tôi tha thiết mong được Hội nhà văn VN tổ chức hội thảo thơ cho mình. Chỉ cần hai ông Hữu Thỉnh và Dương Kỳ Anh tuy tuổi đã cao nhưng mắt vẫn ráo hoảnh mồm vẫn ướt nhoèn phát huy sở trường phun châu nhả ngọc, thì tôi tin mấy câu thơ sao chép của tôi cũng dễ dàng xứng danh thi tiên, thi thần, thi bá trong nền văn chương nước nhà.

Sau khi hội thảo, Hội nhà văn VN làm luôn văn bản, đóng dấu đỏ chót gửi thơ tôi đi dự giải Nobel, thì tôi chắc chắn được Hoàng gia Thụy Điển mời sang Bắc Âu tưởng thưởng và vinh danh! Tôi xin hứa, số tiền có được từ giải Nobel sẽ qui đổi ra trứng vịt lộn chiêu đãi giới làm thơ trong và ngoài nước Việt Nam!

Trân trọng cảm ơn

CÔNG TẰNG TÔN NỮ MỘNG MƠ
( Học trò của Gà Sống Thiến Sót Hoàng Quang Diệu Đế!)

Sent from my iPhone

10 comments:

  1. Bài này copy từ blog Lê Thiếu Nhơn
    Lethieunhon.com

    ReplyDelete
  2. Ồ! Lạy Trời! Đề tài hot quá, diễn ra mấy hôm nay thôi. Viết mấy dòng còm trước, còn chưa đọc các thông tin trên báo và blog. Nhưng có thể đính chính thông tin nhiều báo đưa sai là HQT - Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông, chứ không phải Công nghệ thông tin, VAST.
    Có nhiều bài viết theo cả hai chiều hướng, chúng ta cũng chỉ nên "lót dép" ngồi nghe thôi. Đấy không phải là "chuyên môn" của chúng ta.
    Nhưng về mặt "chửi" thì ... Việt Nam vô địch! Bài chửi gà của Hải viết theo "con nhà Toán" chưa ăn thua gì!
    Copy một đoạn để ACE "thưởng thức" trình độ chửi của dân VN (chú ý không nên bình về nội dung, và bài thơ toàn T sau cùng):

    Vừa mới hôm nào thiên hạ phải một phen nôn thốc nôn tháo về mấy hội thảo “thơ ma cô nhày nhụa” của thi nhơn Quang Thèo, nay lại phải cố “ghìm cơn mửa” bởi mùi xú uế bốc ra từ hội thảo “thơ thuồng luồng chết trôi” của thi nhơn Quang Thộn. Cả mấy cuộc “mở bát hụi thơ” sặc mùi kim tiền này đều có sự góp mặt và gầy dựng của thi nhơn đàn anh Hữu Thủm – chủ hụi “tao đàn thất kinh” (hay: “tao đàn tắt kinh” ???). Cứ trông cái bản mặt “thớt gỗ nghiến còn phải gọi bằng cụ” với cái mồm cá ngão đang ngoác ra cười của hắn thì rõ là hắn đang lấy làm đắc chí lắm về cái trò “bắt cào cào châu chấu bỏ ống quyển” rồi thả ra trước thi hụi, khiến cử tọa bịt mũi chạy mất dép, còn hắn thì nhanh mắt nhanh tay vơ tiền đút túi. Hữu Thủm-Quang Thèo-Quang Thộn đúng là một lũ cơ hội lưu manh, một đồng một cốt cả. Thi nhơn gì chúng. Than ôi ! Thơ mới chả thẩn !!!

    Rõ thật là :

    Thằng Thủm, thằng Thộn, thằng Thèo
    Thả toàn thi thối toan theo “Tiến thành” !

    ReplyDelete
  3. Mà Hữu Thỉnh khen tranh của Tuấn Nguyễn này:

    "Và sau tranh ta bắt gặp hồn người. Tranh anh có đủ yếu tố của Thiền, một sự hòa quyện say đắm giữa cảnh, sự và tình. Tất cả tạo nên những bức tranh tôn giáo trầm mặc mà sống động, thanh khiết mà run rẩy. Tuấn Nguyễn đặt vào đấy tất cả phần hồn, phần cảm của mình, còn nét bút iphone vẫn là những vật liệu thông thường như chúng ta thường gặp. Hình như anh cũng không để ý lắm đến kỹ thuật, đến cách tân, mà cứ thả bút theo dòng xiết của tâm hồn. Tranh của Tuấn Nguyễn là những bức tranh đan dệt bằng tâm hồn của một nhà tin học”.

    Hay quá, đúng quá, hoan hô Hữu Thỉnh đã biết đến một tài năng đặc biệt của iCVA!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cười rụng rốn:
      - "nét bút iphone vẫn là những vật liệu thông thường như chúng ta thường gặp".
      - "những bức tranh đan dệt bằng tâm hồn của một nhà tin học"
      Hóm quá, hóm quá anh Hữu Thành.
      Cái này gọi là "chế 'chữ nghĩa' thành 'iphone'" phải không ạ?

      Delete
    2. Của đáng tội, những dòng này dành cho Tuấn Nguyễn cũng không sai.
      Kiểu này nếu iCVA tổ chức giải "Nô đùa" Văn học thì nhiều candidate ra phết. Đánh nhau vỡ đầu.

      Delete
  4. Nếu so với ô Thộn thì mình kém khoản "nhập đồng"... Vầ chẳng cần thần thánh mượn bút...
    Không phải các ông Thánh đã làm khổ nhân dân quá nhiều rồi sao?
    :-)))

    ReplyDelete
  5. Bài này ai viết? Chẳng biết của ai, đi hơi quá nên nhàm. Nhưng phần còm thì ... được ;)

    Có vẻ coi thường những người chưa bao giờ viết lách gì thì sẽ không viết được hay?

    Cái cốt lõi của sự viết là ở vốn sống, đầu óc quan sát và / hoặc trí tưởng tượng. Cái này thì các nhà khoa học đâu có kém ai.

    Tất nhiên cần có một tâm hồn để dành thời gian cho viết lách nữa...

    ReplyDelete
  6. Hề hề hề,
    Cái sự viết ngày nay hẳn là hơn cái thời các cụ ngày xưa nhiều. Ấy nhưng cái sự lách nó cũng theo đó mà phát triển tới mức khó kiểm soát nổi.
    Bởi vậy cho nên lắm anh viết thì chả phải quá hay, song nhờ lách tốt mà văn phẩm, thi phẩm cứ ra ào ào. Ngược lại có anh viết thì xuất chúng nhưng cái sự lách chả có bao lăm nên đành để cho cái sự viết của mình mặc gấm đi đêm vậy.
    Và cũng bởi vậy cho nên cái sự đọc ngày nay xem tuồng không dễ. Văn phẩm, thi phẩm hẳn là không thiếu, nhưng đọc cái gì và đọc thế nào lại là chuyện không phải ai ai cũng rành.
    Cứ xem những áng thơ hay được khắc biển đồng, bia đá nằm chồm hổm nơi Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến mới thấy cái sự viết và lách bây giờ mới phù phiếm làm sao.....
    Mong rằng trong số TrothayKhai không có ai rơi vào cái vòng xoáy viết và lách này.
    Hề hề hề,..

    ReplyDelete
  7. TrothayKhai những ai muốn xuất...chúng nên đọc bài này:

    http://huynhngocchenh.blogspot.com/2012/08/than-tho-si-tien-si-vien-truong-giao-su.html

    ReplyDelete
  8. Người trong cuộc lên tiếng:

    Văn bản do ông này ký nêu rõ: “Tôi tên là Trần Trương - nguyên Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử (1992 - 2003), hiện là Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Năm 1997, tôi và anh Hoàng Quang Thuận gặp nhau tại Yên Tử. Ngày đó, Yên Tử còn hoang vắng, chưa được đầu tư khang trang, người về đông đúc như bây giờ. Tôi tặng anh Hoàng Quang Thuận cuốn sách “Chùa Yên Tử - Lịch sử - truyền thuyết di tích và danh thắng”.

    Hai anh em tôi đã thức suốt đêm đàm đạo với nhau về nội dung cuốn sách tại chùa Hoa Yên (Yên Tử). Chúng tôi thấy hai tâm hồn văn chương và thi ca có sự đồng điệu, giao cảm và hòa hợp. Một thời gian sau, anh Hoàng Quang Thuận về Hà Nội, có viết một tập thơ “Thi vân Yên Tử” để tặng tôi. Tôi rất vui vì những điều chúng tôi đàm đạo với nhau về nội dung cuốn sách cũng như các cảnh quan của non thiêng Yên Tử đã trở thành những bài thơ của anh.

    Anh Thuận kể lại: “Vào lúc nửa đêm, sau khi thiền định, tôi thấy trong trào dâng nguồn thi cảm mãnh liệt. Tôi lấy giấy bút viết liền một mạch, ba đêm được sáu mươi ba bài”.

    Ông Trần Trương cho rằng: “Thi vân Yên Tử” không phải là đạo văn vì nó xuất phát từ cái tâm của người viết với Yên Tử - một vùng đất Phật linh thiêng của chúng ta!”.

    Như vậy có thể thấy sáng rõ một số chi tiết sau: Ông Trần Trương đã tặng cho ông Hoàng Quang Thuận cuốn “Chùa Yên Tử - Lịch sử - truyền thuyết di tích và danh thắng”, hai ông đã đàm đạo với nhau về cuốn sách này, và từ đó, ông Thuận có “cảm hứng” để viết nên tập “Thi vân Yên Tử”.

    Dù ông Trần Trương khẳng định ông Hoàng Quang Thuận không phải đạo văn nhưng người đọc đã có thể rút ra kết luận về “nghi án” văn chương này.

    Ngọc Anh

    ReplyDelete