Monday, August 20, 2012

Nói hay Đừng

Tôi vốn không giỏi Văn, hồi lớp iCVA chỉ vì điểm văn nên không được học sinh giỏi, khác hẳn với các anh khóa trước. Lan man theo suy nghĩ dịch lời "Город детства" sang tiếng Việt, ngẫu nhiên lại bắt gặp bài báo của ông Lý Sinh Sự, thấy hay hay post lên cho mọi người cùng xem và có 2 câu chuyện nhỏ muốn chia sẻ:
"- Hôm nay sao chú lại "dở chứng" buôn sang cả dịch thuật thế.
- Tại vì vừa qua có cuộc hội thảo về văn học dịch, báo họ đăng có lắm chuyện buồn cười. Tập thơ "Ánh sáng và phù sa" của Chế Lan Viên dịch sang tiếng Nga thành "Ánh sáng và bùn". Thế có chết không!
- Cũng không bằng nghe nói ở một cửa hàng (không phải của nước ta) dịch món gà tơ thành "gà chưa quan hệ tình dục".
- Úi giời! Bố thằng Tây cũng không dám ăn.
- Tớ đã có lần phản ảnh lên báo LĐCT chuyện VTV3 chiếu phim tài liệu của Nga, có nói tới tác phẩm "Cái giá sách của Igo", thực ra đó là "Bài ca về binh đoàn Igo", một tác phẩm văn học Nga cổ đại do chính thi hào Puskin sưu tầm (từ "polka" tiếng Nga là binh đoàn, trung đoàn, Polka còn là cái xích đóng trên tường dùng để sách). Nhạc sĩ Trần Văn Khê vào bảo tàng ở Mátxcơva thấy cây đàn bầu VN được dịch sang tiếng Nga là đàn KinhTang (trên đàn có khắc dòng chữ: Hội Nhạc sĩ Việt Nam kính tặng, chữ "kính tặng" viết to hơn Hội Nhạc sĩ).
- Họ dịch xuôi còn sai thế, nói chi ta dịch ngược. Thơ TQ trước đây dịch sang tiếng Việt có 3 bản: Chữ Hán, dịch nghĩa, dịch nghệ thuật. Phải tôn trọng nguyên tác như thế mới thấy cái hay của thi ca.
- Cũng còn tuỳ, trong hội thảo có vị nhắc tới bài thơ "Đợi anh về" của Simonov dịch sang tiếng Việt qua bản tiếng Pháp là một "phóng tác thiên tài" của người dịch, nhưng không phải là bài thơ dịch, vì Simonov không dùng các từ ảo não, bi lụy trong bài thơ của mình… Theo tớ bài Đường thi "Ô dạ đề" được Tản Đà dịch sang tiếng Việt và bài "Tôi yêu em…" của Puskin do Thúy Toàn dịch là hai bài dịch xịn. Chà! "Trăng tà chiếc quạ kêu sương - Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ…" và "Tôi yêu em chân thành, đằm thắm / Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em". Đọc mà cứ ngỡ mình là người Tàu, người Nga(!)
- Bác hứng chí với thơ ca hơi bị quá đà đấy. Kết luận hội thảo dịch bác chủ tịch văn nghệ nước ta công nhận việc dịch văn đang diễn ra một nghịch lý, không có định hướng của cấp trên, các doanh nghiệp kinh doanh sách dịch cứ tác phẩm nào ăn khách là họ thuê dịch và tung ra thị trường, dịch kiểu gì cũng xong.
- Chết thật! Vậy bây giờ phải "mần răng"?
- Nghe nói sẽ có tờ trình lên thượng cấp để có chính sách về văn học dịch. Tức là đá bóng lên nóc nhà đấy."

Câu chuyện thứ I:
Chúng ta ai cũng biết câu ca dao:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương ...
Nói ca dao nghĩa là tác giả khuyết danh nhưng sự tích của câu ca dao này rất kỳ bí chẳng kém cách dịch ra tiếng nước ngoài sau đây (có nhiều công trình văn học nghiên cứu về câu ca dao đơn giản này). Có thể hiểu "la đà" ở  trong câu ca dao bị "danh từ hóa" thành con la và con lạc đà và như vậy cành trúc phía trước sẽ là cây roi chăn la và lạc đà. Tiếp theo, Thiên Mụ được hiểu là Vợ Trời, "canh gà" được hiểu là canh của con gà (không biết đã "quan hệ" hay chưa? :P) nhưng lại thêm Thọ Xương phía sau nữa thì chắc là "nhừ" lắm rồi không biết chừng thọ đến U60 chứ chẳng chơi. Bản dịch ra tiếng Pháp thì chắc phải nhờ Việt Hải phụ trách vì tôi không biết tiếng Pháp. Nhưng tôi lại biết bản dịch ngược từ tiếng Pháp ra tiếng Việt của câu ca dao trên thành 4 câu thơ "ca rào" như sau:
 Roi tre vun vút  vung ra
Lũ lạc đà với lũ la chạy cuồng...
Vợ Trời giáng một hồi chuông
Gọi về ăn bát canh xương gà Tầu!

Câu chuyện thứ II:
Hồi trang web iCVA mới được lập, phần sau mỗi bài viết có dòng:
Reaction     Funny    Interesting    Cool
Tôi nghĩ bụng lại có những 3 phương án chọn khó thế. Interesting thì rõ ràng là Hay rồi, hăm hở bấm thật lực cho 3, 4 cái liền. Hôm sau nhìn lại vẫn chỉ thấy 1 (sao thế nhỉ, đến bây giờ vẫn chưa hiểu??). Khó nhất là cái nút Cool. "Lạnh" theo Á đông chắc là không hay, không dại gì mà bấm vào đấy, nhất là loạt bài đầu toàn của các bậc "tiền bối". Sáng sớm hôm sau bật lên đã thấy thằng nào bấm vào nút ấy rồi, bực quá, nhất lại là bài của thầy Khải. Đến mấy hôm gần đây mới vỡ lẽ: Cool là Hay còn hơn cả Interesting nữa. Tra từ điển các kiểu chẳng thấy quyển nào nói là Cool là Hay cả. Cuối cùng hỏi thằng con trai, nó đáp đấy là cách nói của giới trẻ hiện nay. Thế mới biết mình "lạc hậu" quá, "quê một cục". Cũng chẳng muốn "khoe dốt" đâu, nhưng hôm nay nhân thể "dịch xuôi, dịch ngược", khoe để mọi người thấy mình cũng có tinh thần học hỏi lắm chứ bộ, không "cười ngây ngô" như trước đâu! :-P

Tiện đây cũng đề nghị Admin cho thêm cái bỏ phiếu Like, Unlike vào phần Comment và cũng nên chỉ có hai ngả. Đứng trước ngã ba đường khó chọn lắm, lại thành con Lừa chết giữa ba bó cỏ thì không ai thương! Mà như vậy thì anh em mới chịu khó nhấn nút bình! Admin ah.
Nguyễn Công Thành

14 comments:

  1. Phải Lý Sinh Sự với anh một tý :
    Bài thơ Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên ...

    Không phải tên là "ô dạ đề"
    ....-":-)))

    Mà là bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế
    Tuy vậy bản dịch của Tản Đà thì đúng là

    Số một !

    ...,

    Thuyền ai đậu bến Cô Tô
    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San...!

    Perfect ! :-)))

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh có phải HQT đâu, trích dẫn là cho vào ngoặc kép đàng hoàng. (:D)Em đã đọc THƠ ÂM HỘ và THƠ ÂM ĐẠO chưa?
      Mà nếu cái ông HQT là nhà khoa học thực sự thì "ngoặc kép" của quyển thơ khéo chiếm đến 1/3, tốn giấy lắm.
      Nói thế nhưng "Thi vân Yên tử" dễ được giải lắm vì khi dịch ra tiếng nước ngoài người ta chỉ dịch được ý thôi chứ có dịch sát chữ như "canh gà Thọ Xương" đâu.
      Hay quá nhỉ, buồn cười quá nhỉ!

      Delete
  2. Đây mới là Perfect!!! :-)))
    Về bài "Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương Kế, thơ đời Đường xin có vài lời:

    Phong Kiều Dạ Bạc
    Lời gốc - Trương Kế:
    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
    Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
    Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

    Lời dịch: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
    Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,
    Lửa chài, cây bến sầu vương giấc Hồ
    Thuyền ai đậu bến Cô Tô
    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.


    Đêm trăng ở bến Phong Kiều
    Lời dịch: Phạm Năng Khiêm, version-1 (12/2009)

    Quạ kêu, sương bạc, trăng mờ,
    Lửa chài hiu hắt, cây bờ thiu thiu !
    Ngoại thành Hàn Tự chuông gieo

    Giữa đêm văng vẳng, buồn neo khách thuyền !


    Lời dịch: Phạm Năng Khiêm, version-2 (12/2009)

    Quạ kêu, trăng lặn, sương dầy
    Lửa chài hắt bóng bờ cây u buồn
    Ngoại thành chùa đó Hàn Sơn

    Nửa đêm chuông vẳng chập chờn thuyền ai.



    Lời dịch: Phạm Năng Khiêm, version-3 (12/2009)

    Trăng rụng đầy trời lớp lớp sương,
    Quạ kêu thống thiết gọi thê lương,

    Lửa chài leo lắt đêm thanh vắng,
    Cây bến lơ mơ bóng dập dờn.

    Mé ngoại Tô Thành ngong giấc điệp

    Nửa đêm Sơn Tự gióng hồi chuông
    Thuyền ai ghé bến Phong Kiều đó
    Có lắng chuông ngân thấm đượm buồn ?!
    *****



    Phạm Năng Khiêm (PNK) là bố đẻ của DC. Nghe kể lại, ông nội của DC, thời 196x sau cải cách ruộng đất, phẫn chí hay ngâm nga bài này (chả rõ ngâm lời gốc của Trương Kế hay lời dịch của Tản Đà). Cuối năm 2009, ông PNK ốm muốn gần đất xa trời tưởng sắp về với tổ tiên, ngồi dịch lại 100 bài thơ Đường-Tống, trong đó có bài này. Chả rõ có phải thiên vị "của nhà làm ra" hay không, nhưng DC cảm thấy lời dịch của Tản Đà vẫn chưa hay bằng mấy bản sau này của PNK vì lý do:
    - lời thơ của Tản Đà chỉ như là liệt kê (listing) các điểm trong bức tranh tĩnh vật bến thuyền đêm trăng.
    - lời thơ của PNK có "hồn" với nhiều tính từ sống động tả tâm trạng buồn man mác của người chứng kiến cảnh vật.



    Cheers, DC.



    PS: Sau khi làm 100 bài thơ dịch Đường-Tống cuối năm 2009, ông PNK vẫn sống tới giờ, và ít thơ hơn.

    Ông PNK tiếng Tầu "một chữ bẻ đôi" không biết, khi thực hiện việc dịch thơ Đường-Tống thì tìm bản gốc, nhờ người có chuyên môn dịch "diễn nghĩa", sau đó mới thả hồn thơ vào các bản dịch của mình.

    ---------------------------------------------

    ReplyDelete
  3. Lại phải "sửa lưng" Gs David một tý :
    Reaction = phản ứng not phản hồi
    Phản hồi = reflection or feedback ...

    Mà gs phát hiện ra từ mới rẤt hay :

    Người lon = người Âm .... Hố hố :-))))))

    ReplyDelete
  4. re: "sao thế nhỉ, đến bây giờ vẫn chưa hiểu??"
    Sau một hồi vận hành, Hải cũng đoán được ACE chưa quen nên chua thêm tiếng Vịt bên cạnh cho dễ hiểu. Lúc sửa không để ý nên để mất data cũ.
    BTW, xin phép tác giả cho thêm cái hình, cho style một chút.

    ReplyDelete
  5. Mọi người chú ý đến bài "Phong Kiều Dạ Bạc" nổi tiếng mà không thấy câu ca dao tả cảnh của Việt Nam cũng nổi tiếng không kém. Thực ra ở đây có điều vô lý là Chùa Thiên Mụ ở tận Huế còn Thọ Xương là địa danh tại Hà Nội. Cách xa nhau ngàn dặm vậy làm sao nghe được tiếng chuông? Lại có chuyện "tiền nhân...lầm lẫn" chăng?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nói chung ca dao truyền miệng thì hay ... Tam sao thất bản !
      Ví dụ bài hát Green fields sang tiếng Nga phắt thành Thành phố Tuổi thơ...
      Bài dân ca Nga Dorogoiu Dlinoiu (Anh Thân yêu ơi ) sang tiếng Việt lại biến hoá thành Tình ca Du mục cứ như của người Mông cổ ....:-) còn version tiếng Anh lại là ...Those were the Days (những ngày đã xa) ....kiểu chúng mày cướp của ông Đồng Xanh thì ông cướp lại Darogoiu Dlinuiou ... He he
      Theo em bài Ca dao trên nguyên thuỷ là
      Gió đưa cành trúc la đà
      Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ xương
      Mịt mù khói toả ngàn sương
      Nhịp chày Yên thái mặt gương Tây hồ
      Làng Yên thái giã giấy bản chứ không Phải ... Giò chả ...:-)))
      Ai đó tự nhiên "cơ cấu" anh Thiên Mụ vào là .. Linh tinh


      Delete
  6. Các cụ cải biên được chúng ta tại sao KHÔNG? Sau đây là bản "tân ca dao" thú vị:

    Gió đưa cành trúc la đà.
    Tiếng chuông hết tiết, canh giờ chạy ra.
    Mịt mù bóng của học sinh.
    Chạy đi mua bánh, nhanh không hết giờ.

    ReplyDelete
  7. Thêm cái ảnh để trả đũa (vì nghĩ thêm việc cho Mõ)

    ReplyDelete
    Replies
    1. 'Trả đũa'.. nên trả trên bàn tiệc VH à!

      Delete
  8. Đoạn ánh sáng và phù sa dịch thành ánh sáng và bùn chắc là ... Đùa
    Tiếng Nga có chữ phù sa .: Osadok
    Bùn = griaz

    ReplyDelete
  9. Cái đoạn ".. bùn" chưa xác minh lại có chính xác hay không, vì đó là nguyên tác của Lý Sinh Sự. Nhưng người Nga rất ấn tượng với câu thơ của Nguyễn Đình Thi: "...Rũ bùn đứng dậy sáng lòa", bằng chứng là bức tượng trên Quảng trường Hồ Chí Minh ở Moscow tạc người Việt Nam lom khom "rũ bùn đứng dậy" nhưng mãi mà chẳng thấy "sáng lòa". :D

    ReplyDelete
  10. HeHe, chú TN xem ra cũng thông kinh thạo sử đấy nhưng chưa đến cùng đâu. Bốn câu thơ tứ tuyệt đó thì chẳng người Hà Nội nào không biết, vấn đề là phải lý giải sao nó lại chạy vào Huế và biến đổi thành như vậy. Nói thêm là 2 câu đầu "Gió đưa cành trúc la đà..." được ví như bản dịch thuần Việt của Phong Kiều Dạ Bạc vì cấu trúc tương tự và cũng nhắc đến hai địa danh Trấn Vũ (hoặc Thiên Mụ) và Thọ Xương thay cho Cô Tô và Hàn Sơn. (Lưu ý là bản dịch của bác Khiêm chỉ có 1 địa danh Hàn Sơn nên chưa chuẩn bẳng Tản Đà chăng, mặc dù hay hơn về thơ?).
    Nguyên tác của 4 câu thơ tả cảnh Hà Nội là của Dương Khuê, bạn thơ Bá Nha - Tử Kỳ với Nguyễn Khuyến,(viết bằng chữ Nôm):
    "Phất phơ ngọn trúc trăng tà
    Tiếng chuông Trần Võ canh gà Thọ Xương
    Mịt mù khói tỏa ngàn sương
    Dịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ”
    Sau này con cháu nhà họ Dương sửa thành 4 câu ca dao trên và đăng trong "Hà Nội tức cảnh".
    Tiếp theo người mang nó vào Huế và sửa thành 2 câu ca dao như trong bài viết là Phạm Quỳnh (1892 - 1945), vì cảnh chùa Thiên Mụ và mặt sông Hương gợi nhớ đến Hồ Tây Hà Nội. Phía bên kia sông Hương có địa danh là Thọ Cương giống với Thọ Xương. Nhiều nhà thơ cùng thời không đồng ý với Phạm Quỳnh nhưng "dân sao cãi lại với quan" và thế là ra đời 2 câu ca dao mới mà lưu truyền đến nay. Thậm chí chỉ cần ngâm "Gió đưa cành trúc la đà" là người ta biết ngay là "hoài cổ", "thủ cựu", "chống chính quyền", nên ông nội DC ngâm bài Phong Kiều Dạ Nguyệt là cũng có ý này chăng?
    Dân xứ Huế thì thích đọc 2 câu ca dao sau:
    "Gió đưa cành trúc la đà
    Tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Cương"
    vì địa danh như vậy thuần Huế hơn. Do không có con nên Tự Đức kiêng dùng chữ "Thiên" và đổi thành chữ "Linh" năm 1862.

    Tiếp đến ca dao 4 câu người Huế sửa thành:
    Gió đưa cành trúc la đà,
    Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.
    Thuyền về xuôi mái dòng Hương,
    Biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay?

    Đến đây thì 4 câu ca dao của Hà Nội trở thành 4 câu ca dao thuần Huế một cách kỳ lạ. Xem ra các cụ ta trước cũng hay "chế lời" lung tung lắm, chẳng khác iCVA bây giờ. Mà chúng ta lại còn dịch ra tiếng nước ngoài rồi dịch lại tiếng Việt cơ mà. :D

    Thêm một version nữa cho chuyện dịch này:
    Trời nổi cơn bão lớn
    Lao xuống tà vẹt đường
    Vợ trời đánh một tiếng chuông
    Canh gà húp vội, hóc xương mấy lần

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có lẽ giai thoại rằng ông Phạm Quỳnh "chế " bài thơ của Dương Khuê là khả tín ...
      Hoá ra anh Thành "điều nghiên" rất kỹ về giai thoại văn học này ...

      Hình như sau khi Đặng Trần Côn chuyển sang tiếng Hán , Đoàn Thị Điểm dịch lại bài thơ này thành:


      Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
      Lũ la đà chạy cuống cà kê
      Xa xăm văng vẳng tiếng chuông
      Vì ai ta phải ăn Canh gà hầm ...

      Delete