Wednesday, November 14, 2012

Hồi ức của một cựu học sinh A0

Xin đăng lại một bức thư của anh Ngô Hoàng Minh đang sống ở Ba Lan, cựu học sinh chuyên toán khối A0 Đại học Tổng hợp Hà Nội tâm sự về những kỷ niệm đầy "đắng cay"nhưng cũng rất "ngọt bùi" thời còn cắp sách tới trường.


Mình tên là Ngô Hoàng Minh, sinh năm 1962 tại Bắc Giang. Thời thơ ấu thì mình cũng chả nhớ gì nhiếu lắm, vì chỉ còn nhớ là vừa học cấp 1 vừa đi sơ tán do liên tục có chiến tranh. Số mình cũng may mắn là ngay từ ở cấp 1 khi đang học lớp 4 cũng đã dành được giải thưởng khá cao khi đi thi Toán trong tỉnh Hà Bắc thời đó.

Sau đó thì vào cấp 2 học trường Ngô Sỹ Liên. Lại một lần nữa may mắn được chọn đi học lớp bồi dưỡng môn toán ở Bắc Ninh (hay ở Yên Phong, cũng chả nhớ nổi nữa) do thầy giáo Vũ Hoàng Hải từ Hà Nội về bồi dưỡng cho bọn mình.
Học sinh Bắc Giang thì có 3 người là Nguyễn Mạnh Hùng (bây giờ là Phó Tổng giám đốc Viettel), Trần Lê Sỹ (tốt nghiệp ĐHBK Hà Nội, hiện đang làm việc tại Mỹ) và mình - là chơi với nhau khá thân.


Tại lớp học bồi dưỡng thêm này, cùng với toàn bộ các "nhân tài" nhỏ tuổi khác của Kinh Bắc thời đó, sau khi được thầy Hải bồi dưỡng thêm chút xíu về mấy bài toán cơ bản, cho nên dân Hà Bắc có 3 người là Dương Kiều Hoa (Bắc Ninh), Hòang Thế Vỵ (Thuận Thành) và mình (Bắc Giang) - là lại gặp may mắn đủ điểm thi toán, đại diện cho dân Kinh Bắc và được chọn vào khối chuyên toán A0 của ĐHTH Hà Nội vào năm 1976, trong thời điểm là cả nước đang hân hoan tự hào là nhiều học sinh khối A0 đã đạt được khá nhiều giải Olimpic Toán.

Nhưng các bạn có biết không, niềm tự hào là vinh dự được vào lớp chuyên Toán cũng là sự khởi đầu của căn bệnh stress của chúng mình mà hiện nay chúng ta mới biết đến. Nói chung, chúng mình rất cảm ơn các thầy cô giáo đã tận tụy dạy bảo chúng mình tại trường chuyên Toán, nhưng không hiểu sao thời đó ai nghĩ ra phương pháp "đấu chọi nội bộ" để chọn ra những học sinh yếu kém nhất "đuổi” về trường phổ thông, làm cho bọn mình suốt ngày hoang mang lo sợ.

Vài chục năm sau, khi đã lớn tuổi rồi mà thỉnh thoảng vẫn nằm mơ là ngày mai sẽ có thi cử vài bài Toán, thế mà mấy quyển vở ghi chép bài giải "tủ" biến đâu mất rồi, khi tỉnh dậy thì mới thở phào là đó chỉ là giấc mơ. Mình cũng đã tự viết vài câu giống như là thơ:

VỀ

Thiên hạ kháo nhau chuyện bị "về"
Thế là mấy đứa lại bị hê
Hoang mang tâm trí vài đứa bạn
Bụng lo ngay ngáy, ruột não nề ...


Hà Nội, ngày 15/3/1977

Vào lớp A08 của chúng mình có 21 bạn, nhưng khi tốt nghiệp A010 thì chỉ còn có 13 bạn. Mình không muốn phê phán ai, nhưng chính đây là nguyên nhân mà chúng mình mắc bệnh stress ngay từ thời học sinh cấp 3 đó. Các bạn cũng thông hiểu là khi đang được học chuyên Toán ĐHTH Hà Nội mà lại bị đuổi về trường THPT ở các tỉnh thì học sinh nào mà chả xấu hổ. Trước đó thì ai cũng là đầu con chuột, bay giờ lại thành đít con voi...

Tất nhiên nếu học kém thì bị đuổi về thì cũng là ngẫu nhiên thôi, nhưng dù sao... thì chúng mình cũng đâu đến nỗi học dốt cho lắm. Dù sao thì chúng mình cũng biết ơn là Nhà nước cấp học bổng cho chúng mình ăn học thời đó. Nhưng tiêu chuẩn của chúng mình thì lại khó khăn hơn thời học sinh của GS Ngô Bảo Châu sau này. Các bạn học sinh thời GS Ngô Bảo Châu được cấp mỗi người một khay cơm riêng có vài viên lạc rang muối và ít canh rau cải. Nhưng hồi bọn mình thì chưa được chia thành xuất riêng, mà cứ một tốp 4,5 người được nhận một nồi cơm chung và chút xíu thức ăn.

Chúng mình vẫn hay trêu nhau là nếu có bạn nào ăn nhanh thì là ăn tham, lúc đó thì mình và vài bạn khác "sỹ diện” mang bát bằng sứ nho nhỏ đi ăn, mỗi người cũng chỉ xúc được 2 bát là hết cơm, có bạn khác "khôn” hơn mang bát sắt đi ăn và xúc được chút xíu nhiều hơn, bát sắt to như trong quân đội đó. Nhưng cũng chả ai no nê cả. Suốt ngày đói. Mà nhiều tháng thì cơm cũng chả có mà ăn mà phải ăn mỳ bo bo thay gạo.

Mình kể ra cho vui chứ không phàn nàn gì, vì thời đó sau năm 1975 cứ ngỡ là hết chiến tranh rồi, nhưng đa số người dân chưa được ấm no. Được Nhà nước nuôi dưỡng như vậy cũng là may mắn lắm rồi. Các bậc phụ huynh cha mẹ tụi mình thì nếu có điều kiện thì có bồi dưỡng cho tụi mình thêm chút ít. Mình thỉnh thoảng cũng xin cha mẹ được ít tiền để ăn thêm bên ngòai, nhưng cũng không dám ăn phở mà chỉ ăn thêm cháo, số tiền còn lại là cuối tuần lẽo đẽo leo lên tầu điện đi qua Ngã Tư Sở, đợi hàng tiếng đồng hồ để ra được đến cửa hàng sách Ngoại văn ở Tràng Tiền để mua mấy quyển tạp chí tiếng Nga là "Kwant” và "Mathematica w Skole” để học tủ thêm được mấy bài Toán, vì sách vở tài liệu hồi đó rất thiếu thốn, khi ra Hà Nội học thì đã có quyển sách nào đâu, xuất thân từ dân tỉnh lẻ mà.

Không phải là mình ghen tỵ với các bạn Hà Nội hay Hải Phòng, nhưng sau này tụi mình biết được là các bạn vẫn có điều kiện tu luyện nhiều hơn dân tỉnh lẻ. Cuối cùng thì Thái Bình, Hà Tây hay Hải Dương cũng bị lọai dần hết, chì còn 3 đứa Kinh Bắc là trụ lại được cùng các bạn Hà Nội và Hải Phòng. Chỉ có một thần đồng ngoại lệ quê Hà Đông, nhưng cha mẹ cũng có tên tuổi ở Hà Nội, đó là bạn Phạm Ngọc Anh Cương.

Mặc dù thời gian trôi qua khá lâu, nhưng mình vẫn nhớ và biết ơn các thầy cô giáo thời đó, như thầy Việt chủ nhiệm (dạy Địa), thầy Điền, thầy Long, thầy Mậu (dạy Toán), thầy Vinh và cô Hoa (dạy Văn), cô Hòa dạy tiếng Nga .... Có một kỷ niệm mình không quên là rất thương thầy Vinh hồi đó hình như mới lấy vợ và bị kẻ trộm vào nhà lấy hết đồ đạc. Thật tội nghiệp.

Mình rất cám ơn thầy Điền, chắc thầy không nhớ, nhưng mình nhớ rất rõ là sau khi chấm điểm thi cử đấu lọai nội bộ, thầy trả bài và có nói là mình học không khá nhưng thầy thấy có sự tiến bộ cho nên chưa bị loại về. May mắn làm sao! Mình cũng cám ơn cô Hoa, vì cô có nói là bộ môn nào cũng cần phải học sao cho tốt, chứ không phải ai cũng được đi thi Toán quốc tế. Do vậy cho nên là vào năm cuối thì hình như là chỉ có Dương Kiều Hoa và mình là được tổng kết Văn trên 8,0. Bây giờ thì cũng nhớ lại là cô giáo dạy tiếng Nga nói tiếng Nga rất dễ thương, nhưng tụi mình cũng chả dành nhiều thời gian học ngọai ngữ thời đó. Chỉ biết được một số từ ngữ cơ bản để đọc được mấy bài Toán tiếng Nga. Chứ để giao tiếp bằng ngoại ngữ thì chịu chết. May mà còn có các môn khác để mà học, chứ suốt ngày luyện mấy bài Toán thì tụi mình chắc điên rồ cả lũ.

Mà hình như thời đó thì cả lũ chúng mình cũng không bình thường thật. Các bạn rất hay trêu nhau và tên bạn nào cũng được ghép thêm một tính từ. Hình như là mình hơi lãng mạn cho nên các bạn gọi là Minh "Tây” (hóa ra bây giờ sinh sống phương Tây thật). Còn tính từ "Điên” thì chắc là ghép vào tên bạn nào thì cũng thấy khá đúng. Các tính từ khác thì cũng chả nên nêu ra, vì thời trẻ con hay nói xấu nhau, chấp vặt làm gì. Có một sự thật rõ ràng là một bạn trong số chúng mình do bị stress lớn quá, cho nên trong một đêm bạn ấy ngủ mê và có những hành động như người bị điên, hình như là cũng sùi cả bọt mép, như là điên thật. Bọn mình lo sợ xanh mắt, nhưng may mà bạn đó được chuyển về THPH (tức là không phải "cày” thêm nhiều các bài Toán khô khan nữa), cho nên sau này thì bạn đó cũng bình thường lại, không có gì phát triển nặng thêm về tâm thần.


Nhưng mình chắc chắn là bạn nào cũng bị bệnh stress như nhau. Ngay cả đến như Phạm Ngọc Anh Cương, khi đi thi Olimpic Toán cũng đạt được giải, mà nhiều lúc trong khi học các môn khác thì cũng luôn bị các bạn trêu là không bình thường. Thế là 13 người còn lại trong lớp vẫn cố tiếp tục học để thi tốt nghiệp và thi vào đại học. Mình lại một lần nữa gặp may, vì học Toán thì không bằng các bạn khác, coi như là kém gần nhất lớp (chắc là gần gần thôi chứ nếu kém nhất thì đã bị đuổi học từ lâu rồi), thế mà kết quả điểm thi đại học của mình lại là thủ khoa, vì chỉ có Nguyễn Quang Phương Đông và mình là đạt được được 27 điểm. Phương Đông thì được sang Hungary học, Kiều Hoa sang Đức, bạn Cương sang MGU ĐHTH Lômônôxốp học Toán. Đa số các bạn còn lại cũng sang Liên Xô học.

Không hiểu sao mình và người bạn mới là Nguyễn Ngọc Thành (chuyên Toán ĐH Huế, cũng thi được 27 điểm như mình) lại cho sang Ba Lan học Toán ứng dụng. Trời ơi, học dốt Toán so với các bạn siêu thủ khác, mà bây giờ vẫn phải tiếp tục học Toán thì sẽ sao đây? Thực ra thì một năm học ngoại ngữ ở Thanh Xuân cũng chỉ nắm được chút ít cơ bản về ngữ pháp, chứ sang Ba Lan thì có ai nói được bao nhiêu tiếng Ba Lan đâu, do vậy ai cũng phải học ngoại ngữ thêm 1 năm nữa. Sau khi học ngọai ngữ xong thì hồ sơ của tụi mình được chuyển vể ĐHBK Wroclaw.

Thực ra thì hồi đó chúng mình cũng chả biết học Toán ứng dụng sau này để làm gì, chắc là phải vào học khoa Vô tuyến điện để biết lắp giáp Tivi Neptun của Ba Lan để mang về Việt Nam bán? Cuối cùng thì hai đứa chúng mình quyết định nộp hồ sơ vào Khoa Tin học. Có lẽ Thành và mình là những kỹ sư tin học đầu tiên của Việt Nam, vì Lê Tự Quốc Hùng – anh trai của Lê Tự Quốc Thắng – cũng „theo gót” tụi mình vào học ở khoa này, thuộc thế hệ năm dưới. Nhưng Hùng cũng nhiều tài năng, nhiều môn còn học xong trước, vượt qua trên mình nhiều. Thú thật với các bạn là chỉ có năm thứ nhất thì Thành và mình đều cùng được giải thưởng của nhà trường do có điểm tổng kết cao.

Nhưng vào các năm sau thì chỉ có Thành là ngày càng giỏi hơn, còn mình thì cứ học theo kiểu "nghe kiến thức vào tai này thì chạy ra hết sang tai bên kia” và biến đâu mất, cho nên đến năm thứ hai thì học kém dần và đã bắt đầu yêu đương cho đỡ... stress. Mà thời tụi mình du học thì ở Ba Lan tòan "đực rựa’ cho nên lấy đâu ra bạn gái Việt Nam mà yêu đương. Hối học cấp 3 thì ngu xuẩn đến nỗi là mới chớm yêu đương mà không dám nói là có tình cảm với nhau, mà cứ phải nói ngược lại là rất ghét nhau, đâm ra không có ai mà thương nhớ nữa. Thôi đành "em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan...” vậy.

Các bạn so sánh chuyện yêu đương ở Việt Nam có khác với ở Ba Lan qua mấy dòng thơ mình viết nhé:

YÊU

Đó là lúc khuôn mặt em ửng đỏ
Vì vô tình tay chạm phải bạn trai
Đó là lúc thấy lòng mình trống trải
Và ngồi buồn em tưởng nhớ tới ai


Hà Nội, sáng 27/09/1978

BỨC THƯ TÌNH

Chỉ có vài dòng thôi
Nhưng mà sao xúc động
Chỉ có một lời thôi
Nhưng sao thấy ... bồi hồi
Khi nhận được bức thư
Mà có chữ "yêu quý”
Bạn sẽ thế nào nhỉ
Bàng hòang và ... suy nghĩ!


Hà Nội, tối 27/9/1978.

ĐỪNG YÊU

Ngập ngừng mới bước vào tuổi yêu
Dào dạt, bâng khuâng, lo nghĩ nhiều
Cứ để tâm hồn luôn trong sạch
Vô tư, thỏai mái biết bao nhiêu.


Hà Nội,  bình minh ngày 11/10/1978

LẦN ĐẦU ... HÔN

Anh vẫn nhớ lần đầu hôn em
Khi hai đứa ngồi trên bãi cỏ
Em ngượng ngùng với đôi má đỏ
Anh được liền hai chiếc tát thẳng tay
Anh nhận lỗi cúi đầu đứng ngây
Em bối rối loay hoay khó xử
Khi mặt anh bỗng trở nên màu đỏ
Còn má em lại tái màu xanh
Em ân hận nước mắt vòng quanh
Bá cổ ôm anh, hôn liền hai chiếc
Anh không bỏ lỡ cơ hội đáng tiếc
Trong vòng tay anh thỏai mái hôn em.


Viết tại Ba Lan ....

Các bạn cũng đừng tưởng là ở Ba Lan thì thoải mái "chơi bời” đâu nhé. Các đồng chí trong Đại sứ quán vẫn quản lý tụi mình chặt chẽ lắm, vì hộ chiếu luôn bị quản lý trong Đại sứ quán, vẫn phải thi cử học hành cho đến nơi đến chốn, còn các chuyện riêng tư thì đừng có khoe khoang. Đến đầu năm thứ 5 Đại học thì bạn Thành đã bảo vệ bằng tốt nghiệp sớm trước thời hạn và bắt đầu làm chương trình tiến sỹ, còn mình thì vừa viết bằng tốt nghiệp và vừa... giặt tã và nuôi cô con gái rượu mới sinh ra. Vào năm 1986 thì lấy đâu ra tã giấy loại pampers, cũng phải dùng tã bằng vải màn cắt ra, y như ở Việt Nam đó. Sinh viên thì lấy đâu ra tiền để nuôi con, cho nên cha mẹ vẫn phải thay nhau trông con và đi làm thêm kiếm tiền hết hơi.

Cũng lại may là vẫn giấu được Đại sứ quán, nếu không thì đã bị đuổi học từ lâu rồi, cố gắng tốt nghiệp mà kiếm tấm bằng Thạc sỹ Kỹ sư, chứ không nên như một số bạn khác cũng là cựu học sinh A0 mà cũng phải bỏ học. Có bạn cũng là cựu chuyên Toán ĐHSP Hà Nội, học khoa Lý, có lẽ cũng do stress lớn quá mà nhảy xuống sông Odra êm đềm mà tự tử, tụi mình sợ hết hồn, phải cử ra vài người dũng cảm ra bờ sông tìm, rồi vào nhà xác nhận dạng bạn đó. Rồi lại phải quyên góp tiền mai táng, vài năm sau này kinh tế có điều kiện hơn thì mới đưa được xác bạn đó về Việt Nam.

Trở về chuyện viết bằng luận văn của mình. Cứ tưởng như là ở Việt Nam thì thầy giáo đỡ đầu sẽ bỏ ra thời gian để hướng dẫn hay là... viết hộ cho mình chút ít. Không đâu! Bạn chỉ được nhận chủ đề, còn chương trình thì tự loay hoay mà viết, miễn là có được kết quả để cho thầy xem. Mình lại một lần nữa gặp may là có bạn Thành tốt nghiệp trước, bảo vệ luận án quá xuất xắc, do vậy luận án và chương trình máy tính kèm theo của mình chắc là chả ai thèm áp dụng, cho nên thầy giáo và nhà trường phẩy tay duyệt cho qua cho nhanh, có nghĩa là mình đã học được tính tự lập trong cuộc sống thì nhà trường cũng đã yên tâm là đào  tạo xong một con người.

Đấy là nói về phía Ba Lan. Còn phía Việt Nam thì không bỏ qua đâu. Bạn được Nhà nước cử đi học thì bạn phải về phục vụ Tổ quốc chứ! Mình có tranh luận với các đồng chí trong Đại sứ quán là học bổng mình được nhận trong vòng mấy năm đại học vừa qua là do phía Ba Lan cung cấp cho sinh viên. Nhưng các đồng chí trong Đại sứ quán nói là họ cấp cho Việt Nam chứ cấp cho riêng cậu đâu, ngoài ra thì hồi học phổ thông cậu có mất tiền học phí không? Thế là mình đành chịu và phải cố gắng lao động kiếm tiền để hoàn trả lại cho Đại sứ quán một số tiền tương đương tổng số học bổng ngần ấy năm lĩnh hưởng. Lúc đó thì Đại sứ quán mới cấp cho hộ chiếu để chính thức hóa việc cưới xin với công dân Ba Lan, đó là vào năm 1988, con gái mình cũng được chứng kiến chuyện cưới xin của cha mẹ, tức là cha mẹ đã "ăn cơm trước kẻng”.

Biết làm sao được! Vì ở Phương Tây thì nhiều khi sinh sống với nhau với tấm giấy đăng ký kết hôn hay là chưa có đăng ký thì cũng không quan trọng lắm, vì nhà trường vẫn tạo điều kiện cấp phòng riêng trong ký túc xá để cho tụi mình nuôi con. Ông bà nội ở Việt Nam thì lo mất đứt cậu con trai, thôi mình đành hứa hẹn với các cụ là cậu con trai sẽ không lưu vong vĩnh viễn đâu, trước sau thì sẽ có cơ hội về Việt Nam đền ơn cha mẹ và Tổ quốc, hay là nó sẽ tìm cách đón cha mẹ sang Tây. Sau này thì mới biết mình không phải là ngoại lệ, vì ở đây tổng kết được có khá nhiều cựu học sinh chuyên Toán cũng sinh sống lưu vong ở Phương Tây như mình.

Như vậy là hoàn thành trách nhiệm vật chất xong cho Đại sứ quán, lúc đó mình cũng đã cảm thấy phần nào an tâm, vì không phải là một con người „phản bội”  Tổ quốc nữa, vì có bao giờ mình quên và làm gì đó nhiều tác hại cho Việt Nam đâu. Cuối cùng thì cuộc sống của bản thân thì tự mình phải lo liệu thôi. Xã hội Việt Nam không có mình thì cũng chả thấy thiếu thốn là bao, vì nếu một người không về Tổ quốc thì trái đất vẫn cứ quay đều. Lại một lần may mắn nữa là khi đó Ba Lan vẫn chưa ngặt nghèo gì với chế độ nhập cư, cho nên sau khi ổn định chỗ ăn ở là vào năm 1989 mình được nhận thẻ định cư luôn.

Do vậy có phấn chấn tự lập trong cuộc sống, cho nên vào năm 1990 thì "sản xuất” ra thêm một cậu con trai nữa. Mình nói đùa với bạn Thành là khi bạn viết xong một luận văn tiến sỹ thì mình cũng nuôi được đứa con gái, còn khi bạn Thành có thêm bằng tiến sỹ khoa học thì mình cũng có bằng đường đời là thêm cậu con trai. Mình cũng là một trong những người Việt Nam đầu tiên được nhận quốc tịch Ba Lan vào năm 1991, mà lại vẫn không phải thôi quốc tịch Việt Nam. Thoải mái nhé, muốn phục vụ đất nước nào là cứ tùy chọn. Lúc này, mình có đi làm với cương vị Kỹ sư Tin học, viết được một số chương trình máy tính, nhưng cũng chả áp dụng được ở đâu, vì tuy Ba Lan có phát triển về máy tính khá nhanh, nhưng nói đến các chương trình máy tính thì ai cũng mua của Mỹ mà dùng cho nhanh. Chỉ có bạn Thành là áp dụng được kiến thức chất xám là đi giảng dạy cho sinh viên Ba Lan ở ĐHBK Wroclaw (và các trường khác nữa).

Trong khi đó thì sự buôn bán của người Ba Lan cũng như người Việt Nam ở đây phát triển khá nhanh. Sao mà hồi đó mình lại được giáo dục cho là công việc "buôn bán” là một cái gì đó xấu xa đến thế? Mãi sau mới hiểu ra là đó cũng là đồng tiền kiếm ra được bằng mồ hôi nước mắt chứ cũng chả dễ dàng. Mà có phải ai cũng có năng khiếu làm ăn kinh doanh đâu? Thế là mình lại phải loay hoay lôi ra chút chất xám cuối cùng của mình để thi thêm được tấm bằng ngôn ngữ tiếng Ba Lan, cộng với trình độ tiếng Việt chắc là cũng kha khá và do có nói sõi hơn nhiều "ông Tây” Ba Lan biết tiếng Việt (do cô Hoa dạy rất cơ bản) và bây giờ thì mình cũng có tấm bằng Phiên dịch tuyên thệ của Bộ Tư pháp CH Ba Lan (Cả Ba Lan chỉ có 11 người có bằng như vậy đó, trong đó có ngài cựu Đại sứ Ba Lan ở Hà Nội, ông này thì chủ yếu làm cho Bộ Ngọai giao, chứ có chịu đi dịch và làm việc cho Bộ Tư pháp đâu).

Mình cũng an ủi bản thân là với cương vị này thì phục vụ được cho cả hai dân tộc Việt Nam và Ba Lan, vì khi thông hiểu ngôn ngữ và văn hóa của nhau thì chúng ta sẽ xích lại gần nhau hơn. Hóa ra là học Toán cũng áp dụng được vào Văn đấy, các bạn ạ. Không phải là mình tự đề cao, chứ thực ra để nắm được kỹ các nguyên tắc của ngoại ngữ thì cũng phải có trí nhớ „chuyên Toán” thì mới nhớ hết được các kiểu ngữ pháp khá rắc rối trong ngôn ngữ nước bạn. Cách đây không lâu mình lại vinh dự được GS Nguyễn Ngọc Thành mời đi cùng vào Dinh Tổng thống nhận danh hiệu Giáo sư của Tổng thống Ba Lan cấp cho những Giáo sư có thành tích. Lại một lần nữa may mắn được hưởng thơm lây, đi cùng người bạn nổi tiếng, cũng rất tự hào là người Việt Nam có thành tích như vậy, mà so với các GS khác, tụi mình vẫn còn trẻ tuổi hơn rất nhiều (ở đó thì ai biết được là mình làm gì có danh hiệu Giáo sư, cũng bắt tay chúc mừng nhau).

Mình đang có một bài Toán khó và nhờ các bạn ở Việt Nam giải hộ. Đó là sự việc gần đây bạn Phạm Ngọc Anh Cương của mình có viết e-mail cho mình hỏi xem còn cách nào sang Tây kiếm sống? Mình cứ tưởng là Cương nói đùa, nhưng hóa ra hình như bạn ấy nói thật. Mình cứ ngỡ tưởng bạn ấy cũng phải là Giáo sư, mặc dù lương bổng ngành giáo dục không cao, nhưng chắc cũng không đến nỗi. Nào ngờ! Thực ra thì mình cũng không theo được ngành kinh doanh, nên thu nhập cũng chỉ đủ sống. Làm thế nào để giúp bạn mình bây giờ? Thế là chưa dám viết thư trả lời bạn.

Ở Ba Lan thì những người khi trẻ tuổi có cống hiến nhiều cho Tổ quốc, như sau khi dành được huy chương thể thao Olimpic chẳng hạn, sau khi có tuổi mà không hoạt động thể thao tiếp tục được nữa, thì Nhà nước sẽ cấp cho mức lương bổng tối thiểu để sinh sống. Còn Việt Nam ta thì sao? Mình không muốn xin ai đó một số tiền cho bạn mình, nhưng mình mong sao các bạn (đặc biệt là các bạn cựu học sinh chuyên Toán) tìm ra được một giải pháp tổng quát hơn, để chúng ta cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Tâm sự như vậy là quá dài dòng rồi, chắc là chả ai muốn nghe nữa. Mình tạm dừng tại đây nhé. Chúc các bạn thành công trong cuộc sống, đặc biết là chúc nhiều bạn học sinh chuyên Toán đạt được nhiều thành tích, noi gương GS Ngô Bảo Châu, chứ đừng nên làm theo cách sống tự do của mình...

Ngô Hoàng Minh (mngo@post.pl)
Theo VEF 22/08/2010

9 comments:

  1. Bạn Hoàng Minh này kể lại thời đi học A0 rất thật thà, chẳng tô hồng gì cả.

    Kể ra hội chuyên toán A0, SP còn bé như vậy mà đã phải xa gia đình, sống tập trung, thì đúng là một sự hy sinh to lớn.
    Mình đoán là sống & học căng thẳng như vậy thì có lẽ cũng không chơi được nhiều. Và từ lúc còn tuổi thơ có thể là đã bị thiệt thòi nhiều so với các bạn học ở lớp ngoài.

    Có lẽ sau này ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn, khắc phục và vượt qua được nên có thể nhìn và kể lại một cách thoải mái như vậy.

    ReplyDelete
  2. Cậu này có số ly hương ... Học cùng lớp Tĩnh còm Đức Hai Thu Béo Xuân Hải Cường Béo, cậu phải cc cho H5I10 blog thì mới có bình luận
    Việt Hải còn mò ra cả facebook ... Trông bà vợ tây của cậu ấy ... Già gần gấp đôi .

    ReplyDelete
    Replies
    1. FB là do chính cậu ấy gợi ý đấy. Tôi có hỏi Minh trước khi publish vì nghĩ rằng khi post lên thì bà con sẽ còm khen chê thoái mái, không thể biết trước được.
      Một vài nhân vật mà Minh nhắc đến cũng khá là quen thuộc năm bọn mình .

      Delete
  3. Hề hề hề,
    Anh bạn này sống xa Tố quốc lâu ngày nên chả hiểu gì về chính sách đãi và ngộ của Nhà nước cả.....
    Còn cái anh cu Phạm Ngọc Anh Cương thì chả biết thế nào, học cái gì và làm ở đâu??? Muốn ra nước ngoài để làm việc chuyên môn của mình hay là để đi buôn??? Mọi thông tin như vầy là quá ít để có thể có được giải pháp hữu ích với anh cu này.
    Hề hề hề,...

    ReplyDelete
  4. Nhân TN de cap den chuyện nhập cư vào Úc: Phải xem lại giới hạn về tuổi. Mình đoán là ở Úc cũng như ở mọi nơi khác không phải tuổi nào cũng được chấp nhận nhập cư (theo kiểu "skilled immigration"). Hình như limit ở Úc là 49 luc apply (mới tăng từ 44 ;).

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mấy năm trước mình có anh bạn định nhập cư vào Úc nhưng già quá 45 chẳng được lợi lộc gì nên thôi, đành phải ở lại Mỹ tiếp tục chiến đấu ;)

      Delete
  5. Định viết còm nhưng bài viết chưa được đăng, hôm qua lại bận quá.

    Các bạn chuyên toán như Ngô Hoàng Minh đây cũng có hoàn cảnh và suy nghĩ khá giống với nhiều người. Dân chuyên toán có phải ai cũng được như Ngô Bảo Châu, Phạm Hữu Tiệp hay vài người thành công khác... Chúng ta đều là người bình thường và suy nghĩ cũng bình thường. Khác thường ở đây là chúng ta được tiếp xúc với những người khác thường (hầu như lớp nào cũng có một vài người) và hiểu, thông cảm được với họ. Thực ra áp lực lớp chuyên toán cũng khá lớn và nhiều người trong chúng ta đã phát biểu sau khi tốt nghiệp ĐH: "không hiểu học chuyên toán có thu được gì? Mất cả tuổi thơ để giải toán!". Tôi đã nhiều lần trả lời lại: "Chúng ta được những người bạn rất giỏi và là cái đích để ta phấn đấu theo" và bây giờ lại còn thêm cả Hội XĐTV và các bạn khác lớp nữa...
    Một điểm nữa là các bạn đang ở nước ngoài dễ nói lên chính kiến của mình hơn so với các bạn trong nước. Điều đó cho thấy "tự do tư tưởng" ở nước ngoài cao hơn VN. Chúng ta cũng cần đấu tranh cho "tư do tư tưởng" và "dân chủ thực sự" ở VN.

    ReplyDelete
  6. Ôi cái cuộc đời này.
    Dù sao đi nữa thì các em đỏ tím vàng cũng đỡ cực hơn các anh chị lớp xanh.
    Thời đó đi tây du học, bọn anh vẫn cứ phải theo nguyên tắc "tè ngoài đường" nhưng "hôn vụng trộm", kể cả với các bạn gái VN. Ngồi trong nhà với phái khác thì phải mở cửa > 45 độ để chứng tỏ ... minh bạch. Đi nhảy "đít cô" đương nhiên cấm, thậm chí 1975 thu gom tiền, đổi từ DDR- Mark sang D-Mark nhờ mua quần bò Levis diện mà cũng bị kiểm điểm. :((
    Thôi, có dịp sẽ làm bài về "Tây du học ký".
    Sáng mai sẽ bay về Hà Nội, hẹn gặp anh em vào ngày kia nhé.

    ReplyDelete
  7. Thế thì phải là Tây Du Học Ký ... Tiền Giải Phóng tức là thời trước bẩy lăm ...:-)))
    Lứa 80-85 bọn em đánh dấu sự bắt đầu "cởi trói" về quy tắc ứng xử với ... Bạn khác giới người Tây.

    ReplyDelete