Friday, November 2, 2012

Côn đảo, một vùng đất linh thiêng và huyền bí

Chia tay XĐTV Sài gòn, tôi bay đi Côn đảo. Lần này tôi ra Côn Đảo một mình. Tôi vẫn thường đi công tác một mình nhiều nơi rất xa xôi, nhiều khi cả nửa vòng trái đất, nhưng lần này hoàn toàn khác, lần này là ra Côn Đảo và không phải đi công tác.

Ảnh: Lê Viết Thái

Có lẽ tuyến bay Sài Gòn- Côn Đảo là tuyến bay nội địa duy nhất mà sự lựa chọn số 1 của hành khách không phải là VietnamAirline. Nghe đồn nhiều nên tôi quyết định thử trải nghiệm xem thực tế thế nào, vì vậy tôi đặt vé SG- Côn đảo bay AirMekong và chọn Vietnam Airline cho chiều ngược lại.
Làm thủ tục check- in chưa có ấn tượng gì, thậm chí còn không cảm thấy thoải mái lắm vì phải đứng sau các bà, các chị từ đảo vào đất liền mua sắm với rất nhiều hàng hóa lỉnh kỉnh. (xin lỗi vì cảm giác sai trái thiếu tính giai cấp này). Quen được ưu tiên khi bay Vietnam Airline mất rồi. Lên tàu bay, ngạc nhiên đầu tiên là các em tiếp viên của AirMekong rất xinh, áo dài đồng phục với hai màu Xanh sẫm và Đỏ Dunhill rất đẹp. Sau đó là thái độ phục vụ của các em rất ổn. Cuối cùng và quan trọng nhất là chỉ sau 20 phút, máy bay đã hạ cánh êm ái tại Côn sơn, chưa bằng ½ thời gian bay VietNam Airline. Lý do là vì hai hãng sử dụng hai loại máy bay khác nhau, AirMekong dùng máy bay phản lực còn VNAir dùng máy bay cánh quạt.

Nhân viên khách sạn đã chờ sẵn ở cửa sân bay với biển tên rất trang trọng , cứ như là đón VIP.  Mùa này khách ra đảo vắng, chỉ có khách nước ngoài là chủ yếu. Chiếc xe 15 chỗ của Côn đảo Resort đón mỗi mình tôi.Trên đường đi bác tài đón thêm một em nhân viên khách sạn quá giang đi làm. Tôi nhanh miệng hỏi em buổi chiều có rảnh đi với chị từ 1h chiều đến 12h đêm. Em đồng ý ngay, thế là may mắn đầu tiên khi đến đảo. Người Côn Đảo hiền lành, thật thà và tốt bụng. Có lẽ chỉ duy nhất ở đây, trên đất nước Việt Nam mình, để xe máy ngoài đường không khóa mà không bị mất. Đường phố Côn Đảo vắng vẻ, sạch sẽ và ngập nắng giống như phố trưa Hà nội những năm 60 của thế kỷ trước.

Lần đầu tiên tôi đến Côn Đảo cách đây khoảng 6-7 tháng. Lần đó cũng nhân một chuyến công tác SG, các em trong đoàn công tác rủ đi Côn Đảo chơi. Tính tôi ham chơi và thích vui vẻ, nhất là đi chơi mà có các em lo chu đáo rồi chỉ phải xách valy đi thôi thì càng thích. Bây giờ thú nhận chuyện này thật dễ dàng, nhưng trước đây mấy chục năm nếu có ai nhận xét mình như thế thì thấy khó chịu lắm và thực lòng không tin là mình lại có thuộc tính đáng phê phán như thế.
Nhớ một lần năm lớp 10, thầy Dương trả bài văn hệ số 2, đề bài phân tích bài thơ gì đó về Mùa thu (Mùa thu mới?) của Tố Hữu. Bài của tôi hình như được 8 điểm và thầy lấy làm mẫu đọc và bình trước lớp. Phần mở bài tôi rất tâm đắc và thầy cũng cho là tốt, tôi vẫn nhớ đại khái là "Đã qua rồi cái nắng oi bức của mùa hè. Mùa thu tới …..Ta khoan khoái tận hưởng tiết thu". Đọc đến đây thầy ngừng lại, cười hóm hỉnh và bình luận "Con người này thích hưởng thụ lắm đây". Chẳng rõ có bạn nào trong lớp biết là thầy đang nói tôi không, tôi thì đỏ mặt tía tai, ngọ nguậy mãi trên ghế thể hiện thái độ phản đối, nhưng thầy lờ đi như không nhận ra.  Nhiều việc khi xưa ta bé cứ cho là to tát, bây giờ nghĩ lại thấy khá buồn cười.
Khi nghe rủ đi Côn Đảo là tôi nghĩ ngay tới tắm biển, lặn biển xem san hô, ăn hải sản… hoặc giả chẳng làm gì chỉ nằm dài trên bãi cát, dưới rặng phi lao thả tâm hồn lang thang vô định, nghĩ gì thì nghĩ hoặc chẳng nghĩ gì cả. Tóm lại là toàn cái loại sặc mùi hưởng thụ. Nhận phòng xong, tôi háo hức hỏi các em chương trình "hoạt động", bấy giờ tôi mới biết đến 2/3 chương trình là đi thăm nhà tù và đi lễ ở các nghĩa trang. Đầu tiên tôi giãy nảy lên không chịu nhưng rồi từ từ phân tích thì thấy chương trình của các em cũng hợp lý. Này nhé, nhà tù đế quốc thực dân ở Côn Đảo vốn khét tiếng như thế, nơi giam giữ bao nhiêu cán bộ/chiến sĩ cách mạng, đọc trên sách vở đã nhiều nay chẳng lẽ không xem qua. Nghĩa trang Hàng keo, Hàng Dương nơi yên nghỉ của bao nhiêu anh hùng liệt sỹ có danh và vô danh nhất định phải đến thắp hương rồi.Trước khi tôi đi côn Đảo lần đó, trong buổi gặp mặt các bạn 10I Sài Gòn( nay là lớp iĐỏ), Tiến Cường có dặn tôi, mộ cô Sáu( chỉ chị Võ Thị Sáu ) là thiêng lắm đó. Tôi nghe nhưng để đấy vì tôi có đi chùa mỗi dịp Tết đến, có thắp hương rằm, Mồng Một nhưng chỉ biết khấn nôm, kinh Phật đọc mỗi kinh Dược Sư mỗi khi xuân về mà cũng phải có sách. Tôi đi theo sự dẫn dắt của đàn em. Ngày đầu tiên chúng tôi đi lễ miếu bà Phi Yến, nghĩa trang Hàng keo sau đó là Hàng Dương, Chùa. Thứ tự này theo tôi là không đúng, vì thế lần sau trở lại Côn Đảo tôi đã đổi lại thành Chùa- Miếu bà Phi Yến – NT Hàng keo – NT Hàng Dương.

Mộ chị Võ Thị Sáu đặt ở nghĩa trang Hàng Dương, người đi viếng mộ thường đi vào ban đêm khoảng 11h lễ đến quá 12h mới về. Đó là lý do vì sao tôi cần người đi cùng tới tận 12h đêm. Chắc cũng chỉ có ở Côn Đảo người ta đi viếng nghĩa trang vào ban đêm, tôi chưa nghe chuyện này ở đâu khác ngoài Côn Đảo.
Lần đó, 11h đêm, ba chị em quần áo chỉnh tề, mỗi người không quên mang theo 1 củ tỏi, nghe nói để đuổi tà ma, đi ra mộ cô Sáu. Khác với hình dung ban đầu của tôi, nghĩa trang Hàng Dương về đêm không lạnh leõ, âm u mà rất tấp nập. Rất đông người đi viếng, họ đi thành đoàn, rất trật tự , không nói to. Nhiều người khệ nệ mang lễ. Chúng tôi đã dâng lễ từ chiều nên chỉ mạng hương theo. Trên mỗi ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương đều có 1 ngon đèn tự sáng vào ban đêm. Quanh mộ cô Sáu nhiều đèn nhất, có tới 4 ngon đèn pha cực lớn và rất nhiều đèn nhỏ. Trước mộ trồng một cây lêkima. Nghe nói cây trồng đã lâu nhưng vẫn nhỏ bé. Khi tôi lễ đã gần xong, chuẩn bị ra về thì có một đoàn xem chừng là cán bộ làm công tác chính quyền nói giọng Sàigòn đến.Trên tay mỗi người là lời bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu. (Giống như tài liệu hội XĐTV dùng để hát ở TSSN). Họ hát say sưa, trong đêm khuya vắng, giữa khung cảnh ma mị tiếng hát như vang xa . Bỗng thôi thúc trong tôi một khao khát được hòa tiếng hát với mọi người để ca ngợi người con gái anh hùng đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Cứ thế tôi hát mãi, hát như nhập đồng, hát không ngừng lại được và thấy mình rưng rưng khóc. Vào thời điểm đó, con gái tôi đang chuẩn bị thi vào cấp 3. Với con gái, tôi không đặt áp lực nhiều như con trai, tôi xác định cháu đỗ vào trường nào cũng được, nếu trường không tốt thì sẽ cho cháu vào học trường Quốc tế. Cháu học chuyên Anh ở cấp 2, học rất thoải mái, không phải cày cuốc nhiều như các bạn. Tuy nhiên mối quan tâm nhất của tôi lúc đó cũng chỉ là chuyện thi cử của con gái vì vậy tôi cũng cầu khấn cô Sáu phù hộ cho con gái tôi thi đâu đậu đấy.

Hai hôm sau, chúng tôi rời Côn Đảo trở về đất liền, mỗi người một việc. Con gái tôi đăng ký thi vào 3 trường chuyên đó là chuyên Anh Sư phạm, Chuyên Ngoại Ngữ và HN-Ams.Và thật bất ngờ, cháu đỗ cả 3 trường với số điểm khá cao, trường nào cũng thừa điểm: Trường HN-Ams thừa 1,5 điểm , 2 trường còn lại Sư phạm thừa 4 điểm, CNN thừa 3,5 điểm. Cháu được vào Anh1 trường Ams, vốn nổi tiếng là thi vào khó khăn. Trường Sư phạm thông báo kết quả đầu tiên, nghe cháu thông báo là con đã đỗ, tôi chúc mừng cháu nhưng chưa nghĩ ngợi gì. Vài hôm sau cháu thông báo tiếp con lại đỗ nữa vào CNN. Tôi chột dạ, chẳng lẽ điều Tiến Cường nói là thật hay sao và tôi linh tính rằng con tôi sẽ đỗ trường Ams. Quả nhiên , sau đó ít lâu, khi cả nhà đang đi nghỉ Nha trang, thì nhận được tin báo điểm thi vào Ams của cháu khá cao. Tôi gọi điện cho Thầy Khải, Thầy bảo điểm thế thì chắc là đỗ đấy.
Tôi tin là con gái tôi được hỗ trợ bởi cô Sáu và các linh hồn nơi Côn Đảo. Nghe có vẻ mê tín dị đoan quá, nhưng ai cũng biết có nhiều điều khoa học có giải thích được đâu. Đó cũng là lý do tôi trở lại Côn Đảo thêm một lần nữa, trở lại để tạ ơn những vị anh hùng đã giúp đỡ con gái tôi .

Còn nhiều chuyện về Côn Đảo nữa như chuyện nước biển ở Côn Đảo xanh thế nào, nắng ở Côn Đảo gay gắt ra sao hay chuyện nửa đêm ngồi sau xe một người không quen biết, đi giữa vô vàn các nấm mồ trong tháng Halloween, giật mình lo sợ không biết đang chở mình là người bằng xương bằng thịt hay hồn ma như trong các câu chuyện ma vẫn được nghe hồi thơ bé, có dịp tôi sẽ viết phục vụ những ai thích nghe chuyện của tôi.

14 comments:

  1. Em có đi tham quan nhà tù Phú Quốc, điều kỳ lạ là bộ hàng rào dây thép gai do Mỹ Nguỵ xây xung quanh bằng thép không rỉ khoảng ít nhất 40 đến 50 năm dưới điều kiện khí hậu khắc nghiệt mưa ẩm mặn muối mà vẫn .... Như mới. Thật ấn tượng. (Không như thép Trung quốc ... Ba tháng rỉ mục hoặc tháp truyền hình ...)
    Tiếc là không cầu khấn gì ... Chỉ trèo lên tháp canh ngó nghiêng một lúc rồi chuồn.

    ReplyDelete
  2. Mấy ông nam giới là thế thôi, đi đâu ngó nghiêng là chính, và đôi khi còn nhìn ngắm các thiếu nữ xinh đẹp, dù có vợ bên cạnh. Anh cũng thế, đi đâu toàn vợ cầu khấn, còn mình toàn ngó nghiêng.
    Hạnh bắt đầu sung rồi đấy, làm mấy bài liền. Nhưng chưa đủ đâu đấy nhé, nếu như từng được thầy cô dạy văn nhận làm con nuôi :-) Làm nữa đi Hạnh ơi

    ReplyDelete
  3. Về Côn Đảo, chú Phùng Quán (lớp tôi vẫn gọi nhà văn như thế vì nhà văn là phu quân của cô giáo dạy Văn lớp 9, cô Bội Trâm), đã có tác phẩm "Vượt Côn Đẩo" khi mới 20 tuổi. Mà chỉ gặp các tù nhân được Pháp trao trả sau hiệp định Genevơ. Tác phẩm này ngay sau đó được giải thưởng nhà nước và góp phần đưa tên tuổi Phùng Quán lên văn đàn VN khi đó.
    Nghe nói đã có dự anh để biến Côn Đảo thành 1 đảo du lịch. Tuy nhiên từ dự án đến hiện thực là cả 1 câu chuyện. VN chẳng làm được gì nên hồn. Hạ Long, Phú Quốc còn đó đấy thôi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ôi! Thế mà bây giờ e mới biết chú Phùng Quán chính là chồng cô Trâm đấy! Nhưng e ko được may mắn học cô Trâm.
      Chị Hạnh thế là Văn-Toán song toàn đấy! Chả bù cho e suýt chết vì môn văn đấy. Điểm trung bình dưới 5 là không được đi du học. Vậy mà e thì lại là 4.95, may quá nhờ có sự ủng hộ của thầy Khải, e được làm tròn thành 5 chứ ko thì chết rồi!

      Delete
  4. Chúc mừng mấy cô gái nhà chị!

    Vui quá nhỉ, hôm trước bám càng anh HBinh lên Tây Bắc hôm sau lại được vi vu Côn đảo với chị Hạnh. Sao chị không chụp mấy cái ảnh?
    Đã nghe các bạn em giới thiệu nhiều về Côn đảo (gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Côn Sơn là hòn đảo lớn nhất) nhưng lần nào về cũng bận nên vẫn tạm dẹp sang một bên.

    Đi thăm mộ giữa đêm cũng có thể là một điều lãng mạn hết sức rùng rợn đấy. Bổ sung ngay vào danh sách những nơi phải đi trước khi quay về...

    ReplyDelete
  5. Chị chưa đến Côn Đảo. Đọc bài viết của Hạnh thật sự mong muốn được ra thăm đảo luôn, Biết đâu cầu gì được nấy thì hay biết chừng nào.

    ReplyDelete
  6. Khoảng năm 2004 mình cũng ra Côn đảo. Lúc đó bay ra chỉ có máy bay AN 26 của công ty bay dịch vụ miền Nam. Máy bay có 2 hàng ghế hai bên như xe đò. Lúc ra, chỉ có 5 người và kíp bay người Nga. Máy bay bay rất thấp, thấy rõ mấy cái thuyền cá ở dưới. Ở Côn đảo lúc đó có khách sạn Công đoàn là loại to nhất. Đoàn của mình cũng đi thăm nhà tù và nghĩa Trang Hàng Dương. Hòi đó hình như chưa có lệ đi viếng nghĩa Trang ban đêm. Mộ chị Võ Thi Sáu to và lúc nào cũng có Hoa tươi. Đúng là khi đó không biết càu gì, đứng trước mọ chị chỉ cảm thấy khấm phục người con gái trẻ tuổi mà gan dạ. Mình ra dó để thực hiện một đề Tài nghiên cứu kết hợp bệnh viện của huyện Côn Đảo với các lực lượng quân y trên đảo lại thành bệnh viện quân dân y huyện Côn đảo bây giờ. Cậu giám đốc BV Bấy giờ là người miền Bắc, vốn là BS quan y, tên là Quyết, Anh này đã gắn bó với đảo Cồn cỏ hơn 20 năm. Côn đảo rất đẹp, nhưng có lẽ còn lâu mới khai thác được tiềm năng du lịch?
    Nếu biết mộ chị Sáu Linh thiêng thì đã cầu xin rồi, phụ nữ họ "khôn" hơn cánh Nam giới từ lâu rồi mà

    ReplyDelete
  7. @Hạnh- I-đỏ:
    - Hôm đó em đi mà không biết anh cử người đi bảo vệ à? Gửi mấy hình ảnh để minh họa cho bài viết của em.
    @ Việt Hải & XĐTV:
    - bận, lười. Chẳng biết add ảnh lên ra sao, đành gửi theo email của trothaykhai. Nhờ bạn nào gắn vào bài giùm nhé.
    - Ai chưa đi Côn Đảo thì nên đi ngay, trước khi Côn đảo bị các công ty du lịch và các đại gia BĐS phá nát như Phú Quốc.
    - Đúng như Hạnh nói, ở CĐ thì xe máy khỏi cần khóa, rừng khỏi cần giữ (vì lấy xong chẳng biết mang đi đâu). Lái xe khỏi lo mấy chú CSGT vì không ai nỡ lòng phạt hàng xóm (cả Côn đảo chỉ có hơn 1000 người). Hải sản khỏi lo bị dị ứng vì 100% là đánh bắt, không nuôi như ở trong đất liền.
    - Ở ngoài Bắc bây giờ còn đảo Cô Tô là có điều kiện như vậy (nhưng không phải là đảo "Cô ta Tô hô" cách Hà nội 120 km đâu nhé :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. @A Viết Thái: em vừa vào trothaykhai nhưng chưa tìm thấy ảnh anh gửi đâu. Hay anh upload? Vào album nào ạ?

      Delete
    2. Nhà nhiếp ảnh Lê Viết Thái đã rất hào phóng cống hiến nhiều ảnh đẹp để đưa vào bài này của chị Hạnh. (Xin bà con ignore tên Mõ bên cạnh ảnh, thực ra hắn chỉ đóng vai tro cửu vạn, tải ảnh lên iCVA ma thôi!)

      Delete
    3. Cám ơn anh Thái về những hình ảnh minh họa. Ảnh của anh đã miêu tả rất đầy đủ những điểm đề cập trong bài viết, chỉ thiếu mỗi em tiếp viên AirMekong thôi ạ.

      Delete
    4. @hạnh: Ảnh em tiếp viên thì thiếu thế nào được em ơi. Anh có gửi đấy và VH cũng đã đăng rồi. Thậm chí có hẳn mấy góc độ cơ. Em cứ viết bài đi đâu đó là anh có ảnh minh họa ngay. Mường Tè, Cha Lo, Mẹ nghĩ, Xín Mần, Mù Cang Chải đều có hết.

      Delete
    5. @MH: Cám ơn Hải đã giúp anh

      Delete
    6. Hề hề hề,
      Vậy ra bác Thái còn là sếp của các detector nhà XDTV và còn là một paparazzi chính hiệu nữa chứ.

      Delete