Friday, November 9, 2012

Thầy cô giáo, học sinh và trường học ở Tây Bắc

          Tuần vừa rồi tôi bận tiếp một đoàn các bạn đồng nghiệp từ bên Lào sang thăm bệnh viện 108 nên không có thời gian viết như đã hứa.
          Sắp đến ngày 20/11 rồi, ngày mà phụ huynh và các học sinh ở thành phố nô nức đến chúc mừng các thầy cô giáo, người đã có công dạy dỗ con họ nên người. Trong chúng ta, ắt hẳn có nhiều người đã, đang là thầy cô giáo nên chắc chắn đều có những giây phút xúc động khi nhận được những bó hoa của học trò tặng. Học trò có thể là sinh viên, nhưng có thể là các cán bộ đi học và đôi khi các anh chị học trò này còn lớn tuổi hơn cả chúng ta.
         Trong các chuyến đi khám bệnh cho đồng bào dân tộc tại Tây Bắc, như một sự tình cờ, tôi được biết đến cái sự dạy và học ở Tây Bắc như thế nào. Thực tình mà nói, dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng công tác giáo dục ở miền núi rất được chính quyền coi trọng. Chả thế mà nó được coi là 1 trong 4 trọng tâm phát triển cho các vùng cao, đó là: Đường, điện, trường, trạm.

         Không có đường, thì không thể phát triển kinh tế và xã hội được. Không có điện thì nền văn minh không thể len vào các bản làng được. Không có trạm xá thì khi ốm đau chỉ còn có cách... cúng Giàng thôi. Cuối cùng là Trường, khái niệm trường ở đây không phải là cái trường học, lớp học mà bao quát hơn là Giáo dục. Nó bao gồm: thầy cô giáo, học sinh và cơ sở vật chất dạy học.
        Năm 2003, khi đường "công vụ" vào xã Mường Nhé mới mở, tôi có đi từ Điện Biên vào, thật ngạc nhiên là các xã dù cơ sở ủy ban xã còn rất đơn sơ, nhưng các trường học đã được xây dựng khá tốt (tốt ở đây là so với miền núi thôi). Làm sao để xây dựng được các trường học được như vậy thì tôi không biết hết. Tôi chỉ biết tại xã Mường Toong, năm 1999, để xây dựng được 1 bệnh xá 3 gian lợp tôn, vách tôn và 1 trường học 5 gian thì Bộ QP phải dùng trực thăng để vận chuyển vật liệu vào cho bộ đội xây dựng. Chi phí vận chuyển gấp 10 lần chi phí vật liệu.
        Để tổ chức khám bệnh cho khoảng 2000 người 1 ngày thì không thể có địa điểm nào lý tưởng hơn là mượn các trường học để triển khai. Trên đồng bào dân tộc rất hay, đề xuất mượn địa điểm trường học để tổ chức khám bệnh, chính quyền và các thầy cô giáo đồng ý ngay, nếu vào ngày thường thì cho học sinh nghỉ học. Khi đi tiền tram xây dựng kế hoạch, tôi rất băn khoăn về việc học sinh phải nghỉ học, nhưng các thầy bảo: không sao, không học hôm nay thì hôm khác, nghỉ 1 buổi cũng chẳng sao?!! Tại địa điểm trường học: Ngày thì khám bệnh, nấu ăn, tối tổ chức giao lưu văn nghệ và đêm thì trải chiếu ngủ. Chính vì vậy tôi có điều kiện quan sát việc học tại các vùng cao.
       Mỗi xã, ngoài điểm trường tập trung tại xã được đầu tư xây dựng khá tốt còn có các lớp cắm bản tại các bản xa cho các học sinh bé. Phần lớn trường được xây bằng gạch, mái tôn hoặc ngói, nền đất hoặc lát gạch.



Trường phổ thông cơ sở xã Sin Thầu, năm 2007 thuộc loại khang trang, mái tôn nền gạch men



Trường phổ thông cơ sở xã Chung Chải, mái ngói, nền đất


         Tuy nhiên, chỗ ở của giáo viên là những nhà gỗ xập xệ bám xung quanh trường, còn học sinh thì... tự các gia đình lo. Các cháu ở các bản xa không về được thì vài gia đình chung nhau làm 1 lán cho các cháu ở. Các lán này thường bám theo các bờ suối, mái bằng nilon xanh, xung quanh thưng cây que trông chẳng khác gì dãy chuồng trâu ở nông thôn đồng bằng.




Dãy "Ký túc xá" của học sinh

          Huyện Mường Nhé có 1 trường dân tộc nội trú, Học sinh trường này được tuyển chọn để xây dựng nguồn cán bộ cho địa phương sau này. Học sinh học ở đây được nuôi ăn, có nhà ở đàng hoàng... và tất nhiên không phải con nhà ai cũng được học. Còn lại, tùy xã có trường tiểu học và trung học cơ sở. Học sinh ở các bản gần thì đi đến học và về nhà ăn cơm. Học sinh ở các bản xa thì phải làm lán và tự nấu ăn. Tranh thủ lúc giải lao, tôi và 1 người bạn có ghé vào thăm các lán của học sinh. Lúc này đây tôi mới thấu hiểu, để có được vài con chữ trên vùng cao các cháu phải vất vả như thế nào.

'Nội thất" của 1 "ký túc xá".
Hôm nay các cháu đi làm "phiên dịch" cho chúng tôi khám bệnh nên ăn mặc khá tươm tất

          Trong lán, có 1 sạp bằng tre khấp khểnh, vừa là chỗ ngủ và học của 2-3 cháu, cạnh đó là 1 bếp kê bằng 3 hòn đá, chỏng trơ vài cái nồi méo mó. Hàng tuần, các cháu thay nhau đi bộ về bản, bố mẹ cho mấy cân gạo, vài nghìn đồng. Các cháu tự trồng rau cải ven suối. Nhiều nhà, bố mẹ lên trồng cho vài gốc sắn để có cái ăn độn thêm vì  không đủ gạo. Bữa ăn của 2 chú bé này chỉ có cơm và nồi canh lõng bõng vài cọng rau cải nấu với muối. Các cháu nói, hôm nào bắt được cá dưới suối thì nướng lên ăn. Anh bạn đi cùng tôi có con bằng tầm tuổi 2 cháu tặng 100.000 đ để mua thức ăn, nhưng phải nói mãi các cháu mới nhận.


2 cháu bé học sinh người Mông


Cô học sinh người Hà Nhì giúp chúng tôi quấn lịch và đóng thuốc tặng đồng bào

          Cuối cùng, tôi muốn nói đến các thầy cô giáo, người đã mang cái chữ lên vùng cao cho học sinh. Qua hầu hết các trường trong huyện Mường Nhé, tôi nhận thấy đa phần các thày cô là người tỉnh Thái Bình và Thái Nguyên. Họ nói đùa với chúng tôi là "chúng em cũng là dân tộc đấy, dân tộc Thái..... nhưng là Thái Bình và Thái Nguyên". Các thầy cô giáo phần lớn còn rất trẻ, nhiều thầy là hiệu trưởng, hiệu phó mà gọi tôi là chú và xưng cháu. Các thầy cô giáo này học xong ở dưới xuôi, nhưng không xin được việc nên đã "tình nguyện" lên Tây Bắc dạy học. Khi chưa có đường, họ phải đi bộ theo cán bộ xã ra huyện họp về trường. Đi bộ chưa quen nên có khi đi hàng tuần liền mới vào đến nơi. Có người 1 năm mới dám về quê 1 lần. Các giáo viên lên công tác tại miền núi, sau 3 đến 5 năm gì đó thì được ưu tiên vào biên chế tại cơ quan giáo dục quê nhà. Nhưng nhiều người vẫn phải bám trụ lại, vì họ bảo, chính sách là vậy, nhưng về quê, nếu còn dư biên chế thì mới nói chuyện ưu tiên, mà chả bao giờ có dư cả nếu không ...chạy. Ngành sư phạm vốn nhiều nữ, it nam. Các thầy giáo trở thành mỳ chính cánh ở đây. Nhiều cô đã ngoài 30 mà vẫn chưa có gia đình, thanh niên dân tộc tại địa phương thì 15,16 tuổi đã lấy vợ. Về quê thì xa và không thường xuyên nên khó tìm hiểu. Cuối cùng may mắn nhất là lấy được các thầy giáo hay là đồng chí bộ đội biên phòng, đoàn kinh tế. Nếu không thì... ở vậy. Khi vào Sin thầu, lúc đó là dịp cuối năm và rất rét. Buổi tối, anh bạn đồng nghiệp đi đâu về bảo tôi, anh muốn tắm không, có nước nóng đấy. Tôi sướng quá đi theo ngay đến nhà 1 đôi vợ chồng giáo viên người Thái Bình. Ngôi nhà nhỏ có 2 gian, 1 gian là buồng ngủ, 1 gian là buồng làm việc kiêm buồng khách.


Cô con gái của đôi vợ chồng thầy giáo người Thái bình đã đun nước cho bộ đội tắm.
Lớn chút nữa cháu sẽ phải xa bố mẹ về quê Thái Bình để đi học, bởi bố mẹ cháu muốn cháu được hưởng chất lượng giáo dục theo "tiêu chuẩn miền xuôi"

              Ngồi nói chuyện, tôi thấy mấy chú y tá trẻ từ phía sau nhà đi ra. Đầu tóc còn ướt, biết họ mới tắm xong. Đôi vợ chồng nhà giáo này đã bắc bếp đun nước nóng cho bộ đội tắm, thật cảm động khi họ nói: lâu rồi mới có các anh là người Kinh vào đây, chúng em đun nước cho các anh tắm để các anh ngồi chơi nói chuyện. Tôi cứ tưởng ở đây có nguồn nước trên núi bắc ống về. Nhưng khi hói mới biết không phải thế, thầy giáo trẻ đã xuống suối gánh nước về, mà từ suối lên nhà có độ cao khoảng 50m. Nghe vậy tôi hết muốn tắm luôn, anh giáo viên cứ năn nỉ tôi ở lại chơi và tắm, đừng ngại, mấy khi chúng em được phục vụ các anh. Hôm sau, tôi hỏi mấy cậu lính trẻ có biết nước ở đâu mà tắm không, tất cả đều nghĩ là có ống dẫn nước về... Hết ý!
           
             Có thể ngành giáo dục còn có nhiều vấn đề cần giải quyết. Nói như Giáo sư Văn Như Cương, lỗi nằm ngay tại cơ quan Bộ Giáo dục. Nhưng ở những vùng sâu, vùng xa, ngày đêm vẫn có những thầy cô giáo trẻ bám học sinh, đem cái chữ lên vùng cao. Hoàn cảnh đưa đẩy họ đến dậy học ở những nơi quá khó khăn như vậy, nhưng tôi nghĩ, có lẽ đấy không phải là tất cả lý do họ ở lại. Chúng tôi đến rồi lại về, cuộc đi dã ngoại khám bệnh cấp thuốc miễn phí của chúng tôi như là một cuộc du lịch, dù là loại du lịch mạo hiểm, còn họ thì ở lại, không biết đến bao giờ ở quê nhà mới có "biên chế".





         

8 comments:

  1. Bài viết của anh Bình cảm động quá. Em cũng được nghe kể những chuyện đúng như vậy, nắm tay các cô giáo mà không ghìm được nước mắt. Có cô giáo chỉ đáng tuổi con mình, ngồi ăn với chị (tức là em-ANN), rót cho chị toàn nước thay cho rượu, uống rượu thay cho chị. Các cô ở vùng xa hẳn thì còn lấy được biên phòng, chứ khổ nhất là các cô giáo ở vùng đệm... PTTg NTN cũng nắm tay các cô mà nói không ra lời, mắt đỏ hoe, cho dù thường thì ông ấy rất "lợi khẩu", rồi thầm thì "Ban TG thông cảm"...

    ReplyDelete
  2. Còn về bọn trẻ con thì tội nghiệp, chúng bé như cái kẹo mà vác những khúc gỗ to như chúng, dài gấp đôi chúng, để có củi mà đốt...

    ReplyDelete
  3. Cám ơn Bình đã kể cho mọi người nghe. Chuyện của bạn đúng là người thật việc thật, cảm động quá, cay hết cả mắt mũi Bình ạ. Mình cũng có dịp đi công tác miền núi, ngành nào ở vùng sâu, vùng xa cũng đều khổ. Có lần mình đang ở Sơn La, trước khi đi đến trạm KTTV, mình có hỏi đồng nghiệp là mang gì làm quà cho anh em ở trạm đây, vì có trạm rất xa, họ bảo chị cứ mua cho họ cân thịt là họ quý lắm, vì từ trạm đến chợ là vài chục cây số. Con cái ace miền xuôi toàn lớn 1 tý là gửi về quê cho ông bà nuôi. Người nào may lắm thì lấy được chồng, còn lại chị em ở vậy cũng nhiều. Đọc truyện Lặng lẽ Sa pa của Nguyễn Thành Long cũng thấy cách đây mấy chục năm đến nay vẫn vậy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. @ANN Anh không dám cầm tay các cô giáo như em đâu... Vi phạm kỷ luật chết? Nhưng có thầy hiệu Phó đã nhương phòng cho Anh ngủ. Anh không nhận mà trải chiếu năm dưới nền lớp học với anh em.
      Các cô giáo trên đó lương được 200% mà không biết tiêu gì, vì có gì mà mua đâu. Khi có đường giao thông, cô nào cũng mua xe máy đẹp để đi. Lúc đó lương lại chỉ được 130% thôi vì hết tiêu chuẩn vùng dặc biệt khó khăn rồi.
      @Thuỷ à, mình đi cũng nhiều và nghĩ cũng nhiều. Có điều không biết diễn giải thé nào thôi, nghề của mình không Liên quan gì lắm đến các vấn đề này. Nhân ngày nhà giáo mình viết mấy dòng như là sự tri Ân với các thầy cô giáo thôi. Lần sau đi đâu nhớ rủ nhà này đi nhé, tớ cũng sắp thoải mái thời gian rồi

      Delete
  4. Hề hề hề,
    Bác Hòa Bình viết lên tay quá. Bài viết của bác thật xúc động và chạm đến con tim của mỗi người. Tính nhân văn rất cao. Nhân tiện em cũng xin góp vài ý kiến cá nhân về nền giáo dục của ta như sau.
    Về chuyện giáo dục thì nền Giáo dục nước nhà còn quá nhiều chuyện phải giải quyết. Tuy nhiên theo cá nhân em thì vấn đề cốt lõi là cái tâm của người làm giáo dục. Không chỉ những người làm thầy cô giáo mà cả những người đang làm các công tác hành chính nhân sự, công tác quản lý của nền giáo dục cũng cần có cái tâm để có thể có được những quyết sách giáo dục đúng đắn.
    Người làm giáo dục mà cái tâm không sáng thì sẽ ảnh hưởng tới nhiều thế hệ học trò chứ không phải chỉ một vài cá nhân đâu. Cái ảnh hưởng đó rất lớn và rất nguy hiểm cho toàn hệ thống xã hội chứ không phải chỉ cho ngành giáo dục.
    Ngày xưa, mọi người thường đổ lỗi cho cái sự nghèo của đất nước, đổ lỗi cho khó khăn do chiến tranh ..... Thế nhưng ngày nay, hòa bình đã được vài chục năm, nền kinh tế của đất nước cũng đã phát triển khá hơn ngày xưa rất nhiều, thế mà nền giáo dục, chất lượng giáo dục lại ngày một xuống cấp, thua xa cái ngày xưa khốn khó ấy. Vậy là lỗi ở đâu, nếu không phải là chính do cái nền giáo dục ấy không tự nhận ra được con đường phát triển của mình???
    Các thầy, các cô giáo tại những nơi khó khăn, nơi vùng cao vùng xa ấy phải chăng đã bị chính cái nền giáo dục ấy lừa phỉnh, dối gạt bằng những thủ đoạn không trong sáng. Sự vất vả, khó khăn , thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần ấy phải chăng họ không biết??? Không phải, họ biết đấy nhưng họ phải cam chịu và mong rằng cái cam chịu của họ còn có được chút gì ích lợi cho xã hội. Còn các nhà quản lý, họ không hiểu những điều đó ư?? Không phải nốt, họ thấy, họ hiểu, nhưng họ làm ngơ và giả vờ rỏ những giọt "thông cảm" để phỉnh phờ những người giáo viên tội nghiệp đó mà thôi. Cả một Nhà nườc, với đầy đủ sức mạnh pháp lý, chính trị, quân sự, kinh tế mà lại bó tay đứng nhìn trước những khó khăn vất vả của một số giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và chỉ cần nhỏ vài giọt "thông cảm" là được hay sao???
    Khoan hẵng nói tới những vấn đề lớn khác mà hãy giải quyết cho được vấn đề về cái tâm của người làm giáo dục trước đã. Chừng đó mới mong có được những sự cải thiện tốt lên cho nền giáo dục nước nhà. Mọi lý luận, mọi kế hoạch hay chính sách gì gì đó, cho dù có là tiên tiến nhưng cái tâm của người làm còn đầy những âm mưu, những thủ đoạn không minh bạch thì cũng sẽ đưa đến sự thất bại, ném tiền nhân dân vào túi các cá nhân mà thôi chứ chả thể mong có được tí cải thiện nào cho nền giáo dục nước nhà.
    Hề hề hề,...

    ReplyDelete
  5. Thật sự rất cảm động, Bình à. Thuốc men và lòng tốt của các BS BV108 đến đúng địa chỉ rồi đấy nhé. Nếu trên đó mà có mắc bệnh gì có khi cũng không biết mà chỉ cho là do con ma nào đó thôi. Nhưng mà mình thấy các cô gái người dân tộc xinh đẹp thật. Mình cũng đến mê ấy chứ.
    Mình chưa bao giwof có dịp đi vùng sâu vùng xa như vậy. Nhưng nơi du lịch thì không thể cảm nhận được hết thế nào là nghèo đói, gian truân, vất vả.

    ReplyDelete
  6. Lần trước em đã định còm vào bài viết của anh HB, dân miền núi hiền lành thế, đơn sơ mộc mạc thế mà họ phải "nổi loạn" thì đúng là có điều gì rất không ổn... (something seriously wrong !)

    Em đi Sapa buổi tối ngồi ăn cơm ở thị trấn Cốc Lếu, đúng hôm đá bóng SEA Games gì đó, thực khách hò reo toàn tiếng Kinh, thậm chí "ngữ điệu" khá ... giang hồ lưu manh, ... em bảo vậy là cái lưu manh hóa của đô thị miền xuôi đã xuất cảng lên đây. Chưa hết, ngồi nhìn qua cái cầu Cốc lếu với con sông là biên giới Việt-Trung thấy nước họ đèn đuốc sáng choang, phố sá thoáng rộng bờ sông kè chắn nghiêm chỉnh, bên mình tối thui tối thùi, thấy rất buồn trong tâm trạng.
    Vài ba trái bóng "hư vinh" với những kỷ niệm "hoành tráng" không đủ che lấp sự lạc hậu chậm tiến, và có phần vô trách nhiệm với những mảnh đất địa đầu tổ quốc.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng như TN đã viết. Thực sự anh chưa muốn viết về những nội dung có liên quan đến chính sách và thực hiện (thực tế)đối với miền núi và các cá nhân giáo viên, bộ đội... là người dưới suôi lên phục vụ cho miền núi. Nhân ngày 20/11 nên chỉ viết những việc tri ân giáo viên thôi.
      Khi tôi đứng trên đồi, nơi cột mốc biên giới nhìn về phía TQ cây cối, đồng ruộng xanh tươi, đường nhựa thẳng tắp dẫn đến cửa khẩu Apachải. Nhìn phía bên đất ta thì ngược lại, hoang sơ, nghèo nàn.... thật buồn.
      Thôi, để dịp khác nói nhé

      Chúc cuối tuần vui vẻ

      Delete